252
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 10/06/2016 07:58
Dòng họ tạo nên một "ký ức thế giới"
Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại TP Huế vừa qua đã công nhận mộc bản Trường học Phúc Giang là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới. Lần đầu tiên, truyền thống hiếu học, giá trị văn hóa của một dòng họ được nâng tầm thành di sản của thế giới.
Đoàn học giả quốc tế và Việt Nam tìm hiểu về mộc bản Trường học Phúc Giang. Ảnh: Lê Bá Hạnh

Từ dòng họ đến trung tâm văn hóa


Làng Trường Lưu xưa (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được mệnh danh là “làng bát cảnh” với tám cảnh đẹp nên thơ như ráng sớm trước chợ Quan, nắng chiều trên núi Phượng, chuông gọi sáng trên chùa Hân, tiếng mõ chiều kho Nghĩa, bóng rợp che cổ miếu, hoa đẹp trong trang viên họ Nguyễn, ánh trăng dưới hồ sen, hương thơm nước giếng Thạc... Làng Trường Lưu còn lưu danh với nghề dệt vải và hát phường vải. Đặc biệt làng nức tiếng gần xa về truyền thống khoa bảng, hiếu học của dòng họ Nguyễn Huy với việc thành lập Thư viện kiêm Trường học Phúc Giang, dân gian gọi là “làng con nít ít hơn tiến sĩ”.

  

Thư viện Phúc Giang do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) thành lập, nằm ở làng Trường Lưu không chỉ đơn thuần là nơi chứa hàng ngàn quyển sách, mà còn đào tạo nên rất nhiều nhân tài, là một trung tâm giáo dục, trung tâm văn hóa lớn đương thời ở xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung. Thư viện Phúc Giang có cả một xưởng in khắc gỗ để tổ chức thực hiện biên soạn và khắc in sách vở phục vụ việc giảng dạy và học tập của học trò và người dân trong vùng. Những bản in khắc gỗ này ngày nay thường gọi là mộc bản. Vào thế kỷ 18, Trường học Phúc Giang đã đào tạo được hơn 30 vị tiến sĩ, còn hương cống, cử nhân thì nhiều không kể xiết, nhiều người trong số họ là các nhà hoạt động xã hội xuất sắc như Phạm Quý Thích, Ngô Thì Nhậm, Phạm Nguyễn Du…

 

Dòng họ Nguyễn Huy có 5 thầy giáo nổi tiếng của Việt Nam: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Quýnh đã soạn sách, viết chữ và cho khắc in sách. Những tiền nhân này đều là danh nhân văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh. Mộ và nhà thờ đều được xếp hạng di tích.

 

Ông Nguyễn Huy Thiện, hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy cho biết: “Trước đây, mộc bản Trường học Phúc Giang được xếp đầy ở ba gian nhà của đền Thư viện Phúc Giang, là nơi thờ Nguyễn Huy Oánh, xấp xỉ 2.000 bản. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, chiến tranh, thiên tai lũ lụt… cùng với nhận thức của người dân chưa hiểu hết những giá trị của mộc bản đã đem làm củi nên bị mai một, thất lạc nhiều. Đến nay, số lượng mộc bản chỉ còn 375 bản gỗ khắc chữ Hán-Nôm ngược. Hiện nay, mộc bản đang được gia đình Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ lưu giữ cẩn thận”.

 

Mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván tinh xảo trên cả hai mặt, chữ Hán và chữ Nôm được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18-20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao.

 

Một số mộc bản cổ có giá trị quý hiếm, như cuốn sách “Mai đình mộng ký” của danh nhân Nguyễn Huy Hổ; "Thư viện quy lệ" do Nguyễn Huy Oánh soạn thảo, viết về những quy định cụ thể các nghi thức hành lễ mà người học phải tuân theo và người khắc in bản "Thư viện quy lệ" này là đệ tử Nguyễn Huy Vượng. Ngoài ra còn có những bộ sách kinh điển của Trung Quốc xưa về triết học và văn chương như: "Tính lý toản yếu đại toàn" (2 tập) khắc năm 1758; "Ngũ kinh toản yếu đại toàn" (9 tập) khắc năm 1758; "Tứ thư toản yếu" khắc năm 1773… dạy học trò và người dân trong vùng.

 

Giá trị thời sự vượt thời gian


Điểm độc đáo ở mộc bản Trường học Phúc Giang là một bộ hồ sơ di sản các bản in khắc gỗ tư liệu còn lưu giữ được lâu nhất, cổ nhất và duy nhất là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới do một dòng họ tư nhân sáng tạo còn lưu giữ lại được. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và mộc bản Triều Nguyễn có sau mộc bản Trường học Phúc Giang hơn 100 năm và do nhà chùa và Nhà nước cất giữ. Có thể nói, khác biệt quan trọng của mộc bản Trường học Phúc Giang với các mộc bản khác đây là một bộ sách giáo khoa do các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy đưa những tư liệu, nhận xét, tóm tắt các kinh điển của nho gia để dạy học trò. Nội dung những mộc bản đã nêu những quan điểm phù hợp với đặc điểm lịch sử, tình hình kinh tế-xã hội của ViệtNam, ví dụ như dạy học trò học phải đi đôi với hành, lý thuyết kết hợp với thực tế và quan trọng nhất là đáp ứng tiêu chí của UNESCO là học để làm người.

 

Mộc bản Trường học Phúc Giang mang nhiều ý nghĩa và có giá trị giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc. Ngoài thông tin về giáo dục, văn học, nghề in, đời sống kinh tế-xã hội của một vùng quê xa kinh thành, mộc bản Trường học Phúc Giang còn cung cấp thông tin về các dòng họ nổi tiếng ở Can Lộc cũng như Hà Tĩnh và sự hình thành truyện thơ Nôm, hình thành Hồng Sơn văn phái, mối liên hệ giữa văn chương bác học và văn chương bình dân... Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, nguyên giảng viên Trường Đại học Năng lượng Mát-xcơ-va (Nga), hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy, người đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về mộc bản Trường học Phúc Giang, cho biết: “Ngoài phương pháp biên soạn sách giáo khoa, mộc bản được UNESCO đánh giá cao bởi nội dung mang tính giáo dục, đó là dạy làm người. Trong các mộc bản, nội dung chỉ rõ rằng đối với chính quyền phải khoan sức dân đắp đê phòng chống lũ lụt, phê phán vua chúa, quan lại đánh bạc... Những giá trị thời sự về việc phòng chống thiên tai, đề phòng trộm cướp, giảm bớt sưu thuế cho nhân dân mà Nguyễn Huy Oánh cùng các tiền nhân nêu ra, khắc lại bằng văn bản ở thế kỷ 18 vẫn còn ý nghĩa thời sự trong xã hội hiện nay”.

 

Các nhà nghiên cứu lý giải rằng, mộc bản Trường học Phúc Giang tiếp thu Nho giáo từ Trung Quốc truyền đến kinh thành Thăng Long và về với vùng quê Trường Lưu hẻo lánh, được dòng họ hiếu học xây dựng nên một trung tâm văn hóa thu nhỏ và đào tạo được nhiều nhân tài. Những người học trò tiếp thu kiến thức đỗ đạt cao, làm quan, hoạt động xã hội lại đem những kiến thức để phục vụ nhân dân và đất nước. Ngoài ra, một số học trò thành đạt trở thành những sứ giả và đi sứ nước ngoài như Phạm Quý Thích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trọng Đường… đã góp phần cải thiện quan hệ bang giao với Trung Quốc, giao lưu với sứ thần Hàn Quốc, Trung Quốc, Triều Tiên, đem văn hóa Việt Nam quảng bá ra nước ngoài.

 

Mộc bản Trường học Phúc Giang là những bộ sách giáo khoa mang tính giáo dục cao và còn nhiều ý nghĩa trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, tập sách chưa được biên soạn, phiên dịch, phiên âm toàn bộ và còn nhiều giá trị chưa được giới thiệu, khám phá hết. Hy vọng rằng, sau khi được công nhận là Di sản tư liệu Ký ức thế giới, các nhà nghiên cứu sẽ vào cuộc để đánh giá sâu sắc hơn những đóng góp của mộc bản Trường học Phúc Giang cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người ở Việt Nam.

 

QĐND