499
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 14/07/2015 08:50
Đổi mới - khát khao của người viết
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, các nhà văn, nhà thơ đánh giá, Đại hội lần này diễn ra dân chủ, trách nhiệm. Tuy nhiên, lẽ ra nên mạnh dạn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ để đưa văn học Việt Nam phát triển, hòa nhập thế giới. Đổi mới, đó là khát khao của người viết.
Các đại biểu xem tác phẩm của đồng nghiệp Nguồn: vanvn.net

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng: Cô độc với nghề để cho ra đời tác phẩm hay


Lần thứ 3 dự Đại hội Hội Nhà văn ViệtNam, tôi thấy Đại hội lần này dân chủ, bình đẳng và tổ chức chuyên nghiệp nhất. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm những người xứng đáng. Chỉ đáng tiếc là Ban chấp hành hơi ít và hoàn toàn sống ở Hà Nội, nên sẽ khó hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của hội viên khắp các vùng miền.

Mỗi kỳ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, người ta quan tâm nhiều đến việc bầu bán, nhưng với những người trong nghề chúng tôi, Đại hội là dịp để bạn văn trong Nam ngoài Bắc, miền ngược miền xuôi, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa, gặp gỡ, giao lưu, trao đổi tác phẩm, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp và hiểu nhau hơn. Thành công của nhà văn, nhà thơ được đánh giá qua các tác phẩm và họ sống trong lòng độc giả cũng bằng chính tác phẩm của mình. Mỗi nhà văn, nhà thơ một thuyền một biển, cô độc với nghề để cho ra đời những tác phẩm hay, chứ không trông chờ vào bất kỳ ai chèo chống hộ.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Hãy tin tưởng vào lớp trẻ


Đại hội coi như thành công nhưng Ban chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ bầu được 6 người, toàn từ 50 tuổi trở lên, trong khi có nhiều hội viên trẻ, thì rõ ràng là có vấn đề. Kết quả bầu Ban chấp hành mới cho thấy, nhiều hội viên chưa tin ở đội ngũ trẻ. Tại sao không đặt sứ mệnh lịch sử của tương lai văn học nước nhà vào tay lớp trẻ? Đương nhiên, những người lớn tuổi phải đi trước, nhưng cũng phải có đội ngũ kế cận. Đây là vấn đề để chúng ta suy ngẫm. Hơn thế, Đại hội dành quá nhiều thời gian cho việc bầu cử. Trong khi đó, các vấn đề của văn chương, đặc biệt là chúng ta viết về hậu chiến thế nào, đời sống đương đại ra sao, lại ít được bàn thảo. Chúng ta không có tham luận, không chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân chưa thúc đẩy văn học phát triển. Theo tôi, Đại hội lẽ ra phải dành 50% thời gian để bàn về những vấn đề này.

 

Nhà văn Nguyễn Thanh Mừng: Đổi mới để được độc giả đón nhận


Lần thứ 4 dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, tôi có mấy suy nghĩ. Thứ nhất, tôi mong muốn Ban chấp hành quan tâm hơn tới lớp trẻ kế cận, từ tuổi 20. Bởi văn học Việt Nam từ thời Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tự Lực Văn đoàn... tuổi trẻ như thế nhưng đã cho ra đời những tác phẩm ảnh hưởng trong lòng công chúng. Hội Nhà văn Việt Nam phải nhìn nhận và có kế hoạch về chuyện đó. Thứ hai, về mặt học thuật, mỗi thời đoạn có diễn ngôn của nó, là sự đổi mới văn chương, đó là khát khao của những người viết, kể cả viết theo lối truyền thống thì vẫn cần đổi mới để được độc giả đón nhận, chứ không chỉ để đồng nghiệp công nhận nhau. Thứ ba, về tổ chức Hội, tôi vui mừng vì Ban chấp hành có thêm gương mặt mới, bên cạnh những người đã dày dặn kinh nghiệm. Không cần một Ban chấp hành quá nhiều người mà quan trọng là chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, nên củng cố các ban của vùng miền, nhất là các hội đồng, sao cho công tâm và tiêu biểu cho các lĩnh vực, mới đánh giá được tác phẩm của người khác, đưa nền văn học Việt Nam đi lên.

 

Nhà văn Y Phương: Không thể áp đặt bạn đọc


Nhà văn phải biết đời sống xã hội cần cái gì, chứ không phải là cái chúng ta viết ra để áp đặt bạn đọc chấp nhận. Nhà văn phải trả lời được bạn đọc về đời sống của con người Việt Nam trong thời buổi hiện tại, nhưng hiện nay chúng ta còn né tránh nhiều. Nhà văn trẻ có lợi thế hơn các nhà văn bậc đàn anh là sức trẻ, nền tảng văn hóa chắc chắn và có cửa sổ nhìn ra thế giới. Đó là những yếu tố quan trọng để họ tiếp cận, hòa nhập thế giới. Vì thế, chúng ta kỳ vọng họ sẽ có những tác phẩm giá trị hơn thế hệ cha anh.

 

Người đại biểu nhân dân