Mùa thi giáo viên giỏi là mùa khổ của giáo viên dự thi, giáo viên đi chấm thi và học sinh của trường được ưu tiên làm cụm thi. Giáo viên được cử đi thi bằng mọi cách phải đạt giáo viên giỏi, học sinh phải căng mình ra để chịu đựng rất nhiều tiết học mà giáo viên thi giảng mượn lớp, còn người chấm thi thì phải sắp xếp công việc sở tại để đi chấm. Tất cả chỉ vỏn vẹn phục vụ cho một mục đích duy nhất là xét thi đua cuối năm học. Sau cuộc thi trường, nếu thầy cô nào được chọn đi thi cấp huyện, cấp tỉnh thì việc chuẩn bị lại càng ráo riết hơn. Lớp chủ nhiệm sẽ luân phiên thầy cô khác vào dạy hỗ trợ người vài tiết cho giáo viên có thời gian học bài, chuẩn bị. Sau thi giáo viên dạy giỏi đến thi chủ nhiệm giỏi. Giáo viên cũng phải trải qua những vòng thi từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh như thế… Cứ thế, giáo viên giỏi được công nhận đều đều.
Những tiết thực giảng cũng rất nặng tính hình thức, không ít giáo viên, để đạt được thành tích đã không ngần ngại đưa cho học sinh câu hỏi và câu trả lời để học thuộc trước. Hoặc không phải tiết dạy nào cũng cần sử dụng công nghệ thông tin, nhưng bởi tư duy đổi mới phương pháp phải gắn liền với công nghệ thông tin đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít người đang đứng lớp. Và cũng chính vì điều này mà đã xảy ra không biết bao nhiêu sự cố như máy tính, máy chiếu gặp trục trặc, mất điện, bài giảng trình chiếu một đằng mà lời giảng đi một nẻo… làm cho tiết dạy càng trở nên rời rạc. Mục tiêu nâng cao chuyên môn, hoàn thiện kỹ năng sư phạm, học tập trao đổi kinh nghiệm và hàng tá những ý nghĩa cao đẹp khác hầu như mờ nhạt.
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những mặt tích cực của những cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Bởi khi tham gia thi giáo viên dạy giỏi, bắt buộc giáo viên phải tìm tòi các phương pháp dạy học mới để tiết dạy của mình thuyết phục ban giám khảo. Qua đó, họ tích lũy được những kiến thức, kỹ năng vận dụng các phương pháp dạy học mới bên cạnh kiến thức, kỹ năng về các phương pháp dạy học truyền thống. Trong quá trình chuẩn bị cho việc thi, ngoài sự tự chuẩn bị của bản thân, các giáo viên thường phải trao đổi, thảo luận về tiết dạy với các đồng nghiệp, vì vậy họ học hỏi được những kinh nghiệm về nghiệp vụ chuyên môn.
Từ thực tế trên, Bộ GD - ĐT nên quan tâm để có sự thay đổi trong việc chọn giáo viên giỏi mang tính thiết thực và có giá trị. Qua đó tránh được bệnh thành tích và thiếu trung thực, là nguồn cơn làm cho giáo dục có hiện trạng như hôm nay. Phải xem đó là sân chơi tự do sáng tạo của các nhà giáo, nó là nơi để khẳng định phẩm chất, tài năng của mỗi cá nhân nhà giáo. Chỉ có thi giáo viên giỏi với cách thức tổ chức thi tiêu chuẩn, quy trình thi được cải tiến chúng ta mới đi đúng quỹ đạo của giáo dục nhằm phát triển tài năng nhà giáo, khẳng định vị thế nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Hy vọng rồi đây cùng với việc đổi mới cách đánh giá ở học sinh, Bộ GD - ĐT sẽ nghiên cứu để thay đổi, đổi mới cách đánh giá giáo viên. Có như vậy chúng ta mới chọn lựa và vinh danh những cá nhân có năng lực chuyên môn thực sự. Và không ai khác chính họ là những nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển năng lực chuyên môn của các giáo viên tại đơn vị cũng như tại địa phương, thông qua các khóa tập huấn, hội thảo trao đổi chuyên môn.
Người đại biểu nhân dân