334
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 14/02/2016 08:37
Độc đáo du xuân Viềng- Phủ
Mỗi năm chỉ họp một phiên vào đêm mùng 7 tháng Giêng, nhưng chợ Viềng- Phủ luôn thu hút rất đông du khách thập phương bởi những nét rất độc đáo rất đỗi linh thiêng.
Từ chiều chợ Viềng- Phủ đã đông nghịt khách thập phương. (ảnh:AL)

 

Chợ Viềng Phủ được tổ chức tại địa bàn khu vực hai xã Kim Thái và Trung Thành (huyện Vụ Bản, tỉnh NamĐịnh). Phiên chợ họp chính vào ban đêm nhưng năm nào cũng vậy, ngay từ chiều lượng khách thập phương đã đổ về chật kín khu vực quanh chợ và các di tích đền phủ.


Từ ngày mùng 6, đã có rất nhiều đoàn khách đi trên những chuyến xe riêng về xã Kim Thái thuê nhà nghỉ trọ để lễ đền và chuẩn bị chơi chợ đêm hôm sau. Không chỉ người trong tỉnh người tứ xứ từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh… cũng đã về đây sớm hơn để tránh bị tắc đường. Nhà nghỉ có, nhà dân để nghỉ cũng có. Người dân rất mến khách và sẵn sàng nhận đặt cơm phục vụ tại nhà với giá cả rất thôn quê nhưng thường có món thịt bò tươi ngon xẻo từ bò nguyên con.

Sở dĩ gọi là chợ Viềng-  Phủ vì nơi đây vừa có phiên chợ độc đáo vừa có quần thể các di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh vốn nổi tiếng khắp cả nước. Rất nhiều nơi trên cả nước thờ Mẫu Liễu Hạnh nhưng Phủ Dầy nổi tiếng hơn cả vì được ghi nhận như là quê hương của Mẫu. Người dân khắp miền đổ về Viềng Phủ vì thế năm nào cũng đông nghìn nghịt.  Du khách vừa đi chơi chợ vừa lễ đền- phủ cầu may, họ gọi chợ Viềng- Phủ là phiên chợ cầu may. Đây là nét độc đáo nhất chỉ chợ Viềng Phủ Vụ Bản mới có. Nam Định hiện có nhiều chợ Viềng khác nhưng người đến những chợ này chỉ là người dân trong huyện.

Anh Nguyễn Mạnh Chung đến từ thành phố Thanh Hóa cho biết, năm nay là lần thứ 2 anh đi chợ Viềng - Phủ. Mỗi lần đến với phiên chợ, anh đều không quên thắp hương tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần được coi là mẫu nghi thiên hạ và là một trong tứ bất tử của Việt Nam. Theo anh Chung, bạn bè anh, ai ai cũng cố đi ít là một lần đến Viềng- Phủ để lấy may, thậm chí là để lấy tiếng cho sang ... Anh Chung rất ấn tượng với không khí chợ đêm nơi miền quê linh thiêng vừa có cánh đồng vừa có núi non và các đền phủ, cảnh mua bán diễn ra huyền ảo trong ánh điện đêm cũng là nét mộng mơ trong tiết trời đầu xuân.


Gọi là chợ nhưng ở đây người ta không mua, bán những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, mắm, quần áo, giày dép... càng không phải là các thứ hàng cao cấp, xa xỉ. Đơn giản chỉ là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất tiểu nông như cái cuốc, cái dao, cái liềm, cái thúng, cái mủng, cây cảnh, cây chanh, cây ổi, cây nhãn và những đồ đồng như lư hương, chân nến… Nhiều người gọi đây là chợ đỗ cũ, chợ mua may bán rủi để năm mới có nhiều niềm vui mới.
Những người buôn bán ở các tỉnh lân cận như HàNam, Ninh Bình, Thái Bình cũng cơm nắm cơm đùm đi từ sáng sớm để kịp phiên chợ. Người ở tỉnh xa hơn như Thanh Hóa, Lạng Sơn phải đến từ chiều hôm trước tìm nơi nghỉ trọ.

 

Thúng, mẹt là một trong những mặt hàng phổ biến ở phiên chợ Viềng- Phủ. (Ảnh:AL)

Dù chỉ họp một phiên trong năm nhưng hàng hóa thì ngàn vạn, quán ăn hàng quà rải suối mấy cây số. Đặc sản mà dân thành phố mang từ phiên chợ về là thịt bê thui. Dọc các ngả đường, bò, bê thui để cả con vàng rươm, khách chỉ chỗ nào chủ hàng xẻo bán chỗ đó. Có người mua luôn cả chiếc đùi, có người chọn nguyên chiếc đầu… Bò chợ Viềng do người dân nuôi thả tự nhiên cả năm trời, chờ tới phiên chợ mới giết mổ đem bán. Tuyệt nhiên không bị bơm nước hay dùng hóa chất bảo quản.. Người ta quan niệm đi chợ Viềng mà không mua bán một thứ gì đó cũng như không có một miếng thịt bê mang về lấy lộc thì coi như chưa đến chợ Viềng, chưa được may mắn. Phải chăng cũng chính vì mang ý nghĩa tâm linh ấy nên hầu như mọi hoạt động trong chợ đều diễn ra theo kiểu "nói sao, mua vậy". Người mua người bán đều rất hào sảng vui vẻ chúc nhau những câu an lành may mắn. Chỉ mấy chục nghìn, khách đã có cây mang về. Thường thì những cây sung thế, cây cảnh mi ni và cây giống được nhiều người chọn mua hơn vì dễ vận chuyển. Cuộc mua bán thường diễn ra mau lẹ và rất ít khi mặc cả.

Những nam thanh nữ tu về chợ Viềng- Phủ tay trong tay vãn cảnh chợ Viềng, cầu mong cho hạnh phúc lứa đôi. Các bạn trẻ cũng không quên lên núi Tiên Hương vãn cảnh, lễ đền. Nơi đây vừa có đền vừa có hàng quán dừng chân bên những tán thông. Từ núi Tiên Hương, khách được thỏa thích phóng tầm mắt bao quát được toàn cảnh Viềng- Phủ cũng như bức tranh lung linh huyền ảo giữa miền quê linh thiêng

Kết thúc phiên chợ, tuy mệt nhưng mọi người đều phấn khởi vui vẻ đổ về các ngả đường chính đem may mắn trở về gia đình. Theo nhận định của chính quyền xã Kim Thái và xã Trung Thành, năm nay người đi chợ sẽ đông hơn rất nhiều vì bà con đang trong thời điểm nông nhàn. Để hạn chế sự ùng tắc cục bộ, dọc các ngả đường từ quốc lộ 10, quốc lộ 21 về chợ và các đền phủ, lực lượng công an, trật tự được rải khắp để điều tiết giao thông. Rút kinh nghiêm từ các năm, nhiều người tới tận sáng mới tìm được đường ra nên năm nay tại các điểm ngã ba đều bố trí biển chỉ đường ra. Anh em làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự cũng không quên chủ động hướng dẫn các hướng đường ra quốc lộ, để tạo thuận tiện cho khách thập phương có thể di chuyển nhanh nhất. Theo đó, từ chợ Viềng và Phủ Dầy, khách theo hướng Bắc để ra quốc lộ 21 rồi tản về Hà Nội, Thái Bình, TP.Nam Định… hoặc theo hướng Nam để ra quốc lộ 10 về Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng…

 

ĐCSVN