Là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, bận trăm công nghìn việc quốc kế dân sinh, nhưng trong 50 năm viết báo cách mạng (1919 - 1969), Bác Hồ đã có hơn 2 nghìn bài báo thuộc các thể loại báo chí. Những bài báo của Bác thể hiện tư tưởng cách mạng và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, với phong cách đa dạng, hấp dẫn, có sức lay động trái tim, khối óc của hàng triệu người.
Chỉ đạo báo chí cách mạng nước ta, Bác Hồ nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Viết cho ai? - Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh. Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Đây là tư tưởng chủ đạo của báo chí cách mạng ViệtNam: Báo chí cách mạng phải phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đây cũng là chân lý của báo chí cách mạng, là tuyên ngôn của những người làm báo chân chính.
Là một nhà báo lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nhiệm vụ vừa khái quát, vừa cụ thể của các nhà báo, đồng thời đề cao tính trung thực- một đặc trưng quan trọng hàng đầu của báo chí: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy”. Nói cách khác, Bác phê phán cả hai khuynh hướng “tô hồng” và “bôi đen” thường xuất hiện trên báo chí và khẳng định báo chí cách mạng phải phản ánh trung thực hiện thực khách quan.
Bác cặn kẽ dạy các nhà báo 5 cách tìm tài liệu để viết: “1- Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết; 2- Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi; 3- Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy; 4- Xem: Xem báo chí, xem sách vở, xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài; 5- Ghi: Những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết, có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó”.
Bác căn dặn các nhà báo phải đề cao tiếng nói của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng. Đồng thời, Bác dạy: Viết phải “thiết thực,“nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào? Kết quả thế nào?”. Cuối cùng, Bác nhắc nhở: “Viết rồi phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi.”.
Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và noi gương “Cách viết” của Người, ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, những người làm báo nước ta đang tích cực học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, ra sức rèn luyện, trau dồi đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm tròn sứ mệnh của mình đối với Tổ quốc và nhân dân.
QĐND