378
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 01/06/2015 08:18
Định hướng văn hóa đọc cho giới trẻ
Sự xuất hiện tràn lan của các loại sách ngôn tình biến tướng đang là đề tài gây nhiều tranh cãi. Đa phần ý kiến cho rằng, những người đọc sách ngôn tình là các bạn trẻ chưa có sức đề kháng và trải nghiệm trước những luồng văn hóa phức tạp nên rất cần sự định hướng văn hóa đọc từ gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý.
Nguồn: vov.vn

Sách ngôn tình biến tướng


Sách ngôn tình đúng nghĩa, theo giới chuyên môn là những tiểu thuyết lãng mạn, hài hước, mang tính giải trí cao, hướng tới số đông và có tính đại chúng. Có thể ví ngôn tình như món ăn bình dân vì dễ đọc, văn phong đơn giản, mạch truyện dễ theo dõi. Nó vẽ ra một tình yêu đẹp, một thế giới lý tưởng, phù hợp tâm lý của thanh niên. Tại Việt Nam, từ năm 2006, sách ngôn tình chủ yếu từ Trung Quốc đã “đổ bộ” làm nên cơn sốt trong giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên. Thời gian đầu, truyện ngôn tình chỉ lưu hành trên các trang mạng, sau thời gian được đón nhận nhiệt tình, nhiều nhà xuất bản đã nắm bắt cơ hội cho xuất bản thành sách và đến thời điểm này, sách ngôn tình đã trở thành thể loại sách ăn khách.

 

Thực tế, đến bất kỳ nhà sách nào cũng đều dễ dàng nhận thấy những kệ sách dài về dòng sách ngôn tình Trung Quốc. Công chúng của sách ngôn tình hiện nay chủ yếu là học sinh, sinh viên, trong đó có nhiều học sinh THCS. Những tác phẩm ngôn tình tốt sẽ giúp người đọc giải trí, khám phá nội tâm, cảm xúc, học được nhiều bài học ý nghĩa trong tình yêu và cuộc sống. Nhưng những cuốn sách ngôn tình biến tướng đang thực sự là cạm bẫy nguy hiểm với lứa tuổi đang phát triển, hoàn thiện tâm sinh lý, nhân cách. Nổi bật là mảng truyện “đam mỹ” (tình yêu đồng tính nam) và truyện “sắc nữ” (chứa đựng nhiều chi tiết mô tả tình dục thô tục, bạo lực và không hiếm các yếu tố loạn luân). Đây là hai thể loại biến tướng từ ngôn tình truyền thống, chứa đựng những nội dung không lành mạnh, dễ đầu độc giới trẻ.

 

Mới đây, Cục Xuất bản đã yêu cầu thu hồi, sửa chữa ba đầu sách: Đồng lang cộng hôn(tên tiếng Việt: Nụ hôn của Sói, của Diệp Lạc Vô Tâm), Nở rộ (Sói Xám Mọc Cánh) và Anh là định mệnh trong đời (Toàn Mộc). Những cuốn sách này được đánh giá là “miêu tả tình dục tỉ mỉ, không cần thiết; có nhiều chi tiết gợi dục, phản cảm thậm chí thô tục; ảnh hưởng cho độc giả tuổi mới lớn”. Tuy nhiên, những trường hợp bị xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng. Trước mắt Cục Xuất bản chỉ có thể cấm sách in, còn trên mạng vẫn có hàng chục trang web chuyên dịch và đăng tải thể loại ngôn tình và đam mỹ, để kiểm soát được không đơn giản.

 

Giới trẻ cần sự định hướng


Truyện ngôn tình, đam mỹ có nội dung không lành mạnh xuất hiện tràn lan ảnh hưởng lớn đến giới trẻ, bởi lẽ, độ tuổi thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển nhân cách, tâm lý, đang học hỏi và tìm tòi. Những từ ngữ không lành mạnh được sử dụng trong sách ngôn tình hiện nay sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và gu thẩm mỹ chưa được định hình của bạn đọc tuổi mới lớn. Với nhận thức chưa đầy đủ, tâm lý chưa vững vàng, những cuốn tiểu thuyết ngôn tình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy, quan niệm sống của các em. Và khi không có sự đề kháng, giới trẻ sẽ dần bị nghiện những loại sách ngôn tình độc hại như nghiện game, phim ảnh đồi trụy… dẫn đến suy nghĩ phiến diện nguy hiểm về tình dục và tình yêu.

 

Tuy nhiên, để truyện ngôn tình tràn lan như hiện nay không hẳn là lỗi của người đọc mà có lỗi rất lớn của người làm sách, kiểm duyệt. Sách ngôn tình đang mang lại nguồn thu lớn cho một bộ phận dịch giả, xuất bản, phát hành. Vì lợi nhuận, không ít nhà xuất bản, nhà sách sẵn sàng lao vào để thu lời, bất chấp nội dung, khâu kiểm duyệt cũng bị buông lỏng, tạo cơ hội cho những ấn phẩm ướt át, tầm phào tràn lên giá sách đầu độc bạn đọc trẻ tò mò.

 

Rõ ràng, bài toán để bảo vệ con trẻ ở lứa tuổi mới lớn trước “cơn bão” sách ngôn tình không đơn giản. Nếu như không được kiểm soát tốt, quản lý chặt chẽ, sự biến tướng của các thể loại này sẽ là ẩn họa khôn lường đối với xã hội, đặc biệt khi độc giả của nó lại là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước. Độc giả trẻ cũng cần được định hướng về tính giải trí, tính giáo dục, tính nghệ thuật... Và cũng rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí, với các chuyên mục điểm sách, điểm phim chất lượng.

 

Sức “đề kháng” của lứa tuổi đọc ngôn tình chưa cao, ít va vấp, nếu không muốn nói còn chông chênh giữa ngưỡng cửa trẻ con - người lớn. Vì thế, cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý, đơn vị xuất bản thì chính các bậc phụ huynh, nhà trường cũng phải có biện pháp định hướng cho học sinh, sinh viên về văn hóa đọc, tránh những tác hại khôn lường từ các ấn phẩm văn hóa chất lượng thấp

 

Người đại biểu nhân dân