Dưới chân dãy núi Phu Nhọ Khọ, con suối Nậm So tí tách reo, tiếng tính tẩu dìu dặt, vang vọng tận ngách núi. Phụ nữ Thái bước đi thanh thoát, tay trong tay điệu xòe Inh lả ơi, sao noọng ơi... Người xem như bị thôi miên trong dòng văn hóa êm đềm, rồi cũng nhập cuộc, biêng biêng theo làn điệu...
Tình nhân Tây Bắc
Có người ví xòe Thái giống như tình nhân của Tây Bắc, không có thì tiết trời Tây Bắc sẽ kém xuân, men rượu Tây Bắc mới chỉ chớm nồng. Muốn tìm hiểu về văn hóa xòe của người Mường So, chúng tôi được Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Phong Thổ đưa đến gặp nghệ nhân Nông Văn Nảo, ông mới được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về loại hình nghiên cứu tập quán, tín ngưỡng của người Thái. Nghệ nhân 75 tuổi, đôi mắt sáng lên khi nhắc đến những điệu xòe. “Sơn La và Lai Châu được cho là cái nôi của xòe. Khởi thủy, xòe Thái chỉ là điệu dân bản nắm tay nhau thành vòng tròn rồi múa theo nhịp chân 2 tiến 1 lùi, dần dần phát triển với 3 loại hình cơ bản là xòe thiêng, xòe vòng, xòe điệu”.
Xòe thiêng gắn liền với tín ngưỡng dân gian cho rằng con người bị ốm là do hồn lìa khỏi xác một thời gian, muốn khỏi bệnh, người nhà phải nhờ thầy cúng. Dịp đầu năm, tất cả những người được thầy cúng chữa khỏi bệnh phải đến đáp lễ, góp công và múa lễ để tạ ơn thầy (lễ Kin Pang). Xòe vòng của người Thái thường diễn ra dịp Tết Nguyên đán, mừng nhà mới. Xòe điệu xuất hiện vào thời Pháp thuộc. Ở Phong Thổ trước kia, Tri châu Đèo Văn Ân mỗi khi có quan Pháp về công cán thường gọi một số gái xòe đến múa vui, ban đầu, múa theo nhịp trống sau phát triển nhờ ảnh hưởng của vũ quốc tế và pha trộn với điệu múa dân gian của một số dân tộc khác. Thậm chí, Tri châu Đèo Văn Long còn xây dựng cả một câu lạc bộ khiêu vũ pha với xòe Thái để tiếp quan Pháp. Xòe điệu ban đầu tiếp thu nguyên vẹn các điệu xòe Then, sau do pha trộn với một số trò chơi dân gian và sử dụng các đạo cụ như khăn, quạt, nón, giỏ, chùm sóc nhạc… mà phát triển lên tới 36 điệu xòe. Nay ở Phong Thổ còn duy trì được 32 điệu nhưng phân tán mỗi người nắm một vài điệu.
Trăn trở nhịp xòe
Đã hơn 30 năm chế tác, chơi đàn tính phục vụ các đội xòe ở xứ Mường So, ông Nông Quốc Chấn am hiểu về linh hồn của nhạc và nét độc đáo của những điệu xòe. Ngồi bên bờ suối, nghệ nhân 74 tuổi nói với vẻ đầy kinh nghiệm của một người từng trải: “Nhạc xòe thật ra lúc đầu sinh ra để phục vụ tầng lớp địa chủ, vì vậy cũng có thể xem đó là thứ nhạc cung đình, muốn gảy khéo không dễ. Mỗi điệu xòe phải có nền nhạc riêng, xòe ở các ngày lễ hội thì vui nhộn, nhưng xòe trong một đêm trăng sáng, nói lên sự ly biệt thì du dương, lắng đọng…”. Nghệ nhân Nông Quốc Chấn gảy đàn, lời tính tẩu tan vào rừng núi, đôi mắt người thả xuống dòng nước nhờ nhờ đục của con suối Mường So một nỗi nhớ khôn nguôi… Ông bảo, điều băn khoăn nhất bây giờ chính là ngày càng ít người làm đàn tính, cũng không còn mấy ai biết gảy đàn, đặc sắc của điệu xòe theo đó cũng phai nhạt đi.
Trong ngôi nhà văn hóa bản Vàng Pheo, chúng tôi nói chuyện với Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường So Lò Thị Đối. Bà Đối cho biết, phong trào văn hóa văn nghệ của xã mấy năm nay phát triển mạnh, hiện Mường So có 11 chi hội thì có tới 17 đội văn nghệ, mỗi đội có 1 - 2 người gảy đàn phục vụ múa xòe, nhưng người thì chưa thuộc hết làn điệu, nghệ nhân gảy đàn thuần thục thì tuổi đều quá 70. “Nghệ nhân ngày càng già, thanh niên thì chưa biết xòe hết làn hết điệu. Chúng tôi chỉ mong làm thế nào duy trì được truyền thống ông cha để lại, mà muốn như vậy phải có lớp để truyền dạy các điệu múa, đặc biệt là dạy gảy đàn. Nhưng việc này khó lắm. Trước có nghệ nhân Nông Văn Nhay dạy cho các đội nhưng giờ cụ mất rồi. Hiện không có người truyền dạy mấy đâu”.
Không biết vì “tiện lợi” hay “cái khó ló cái khôn”, trong lúc thiếu vắng nghệ nhân đệm đàn thì các đội văn nghệ của xã Mường So được trang bị âm ly, đầu đĩa, micro… để phục vụ xòe. Âm thanh được phát ra từ đĩa nhạc thu sẵn, nghe vẫn ra màu nghệ thuật của dân tộc nhưng hình như thiếu chất mộc mạc, dân dã của núi rừng…
Trưởng phòng Văn hóa huyện Phong Thổ Đèo Văn Dương: “Hiện vào dịp lễ Tết, hội hè và các hoạt động văn nghệ của thôn bản, của xã… kết thúc bao giờ cũng có điệu xòe. Nhưng thực tế, công tác sưu tầm, bảo tồn các làn điệu xòe gặp nhiều khó khăn. Trước đây, ở các bản đều có nghệ nhân là người vừa truyền dạy xòe cổ, vừa là người đệm đàn, nhưng giờ nhiều nghệ nhân đã qua đời. Vì vậy, chúng tôi rất cần được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức… tiếp sức, phối hợp với các nghệ nhân duy trì, bảo tồn đặc sắc văn hóa này, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí để mở lớp truyền dạy”.
Đại biểu nhân dân