- Thưa Bà, tại Quyết định số 911/QĐ-TTG của Thủ tướng đã Phê duyệt Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020. Vậy sau 5 năm thực hiện đề án đã có những kết quả như thế nào ?
Q. Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Triển khai Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban chỉ đạo, bộ phận thường trực, xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án trình Thủ tướng; Ban hành các văn bản pháp quy và các văn bản hướng dẫn cơ sở đào tạo triển khai thực hiện Đề án; tổ chức các hội nghị để quảng bá, tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở đào tạo cách thức triển khai Đề án; Xem xét, giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ trong nước cho 58 cơ sở đào tạo với 388 chuyên ngành đào tạo, trong đó có 7 cơ sở đào tạo tiến sĩ được giao nhiệm vụ triển khai đào tạo 27 chuyên ngành theo phương thức đào tạo phối hợp - kết hợp đào tạo ở trong nước và đào tạo ở nước ngoài; giao cho 9 cơ sở đào tạo nhiệm vụ đào tạo tiền tiến sĩ - Trung tâm đào tạo tiền tiến sĩ để tạo nguồn nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài hoặc học theo hình thức đào tạo phối hợp.
Để đẩy mạnh tăng cường nguồn giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng như mục tiêu của Đề án 911 đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo khai thác tối đa các nguồn lực khác nhau để đào tạo giáo viên cho các trường đại học, cao đẳng: học bổng từ Hiệp định giữa các chính phủ, từ hợp tác song phương giữa các cơ sở đào tạo, từ các dự án, đề án, tổ chức giáo dục của nước ngoài hoặc đi học với nguồn kinh phí tự túc... Nhờ đó, Đề án đã đạt được kết quả bước đầu. Cụ thể, đối với phương thức đào tạo trong nước và đào tạo phối hợp: các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911 đã tích cực chuẩn bị các điều kiện theo quy định, tổ chức tuyển sinh và đào tạo. Đến nay, tổng số nghiên cứu sinh tuyển được và đang theo học khoảng trên 3000 nghiên cứu sinh.
Kết quả trên cho thấy, tuy đã đạt được những thành công bước đầu nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu của Đề án do trong quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về chủ quan cũng như khách quan.
- Cụ thể, trong quá trình thực hiện đề án, đâu là khó khăn, thưa Bà ?
Q. Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Qua triển khai cho thấy, Đề án gặp nhiều khó khăn như: về phía người học, nhiều giáo viên trẻ chưa có sự chuẩn bị về ngoại ngữ, phương pháp học tập, nghiên cứu phù hợp. Một số nghiên cứu sinh trúng tuyển đi đào tạo ở nước ngoài nhưng để được cử đi học cũng gặp không ít khó khăn do khả năng ngoại ngữ, tìm trường và thầy hướng dẫn đề tài luận án...
Về phía các cơ sở đào tạo tiến sĩ cũng gặp khó khăn trong việc tổ chức đào tạo theo yêu cầu của Đề án: tìm đối tác nước ngoài phù hợp trong phương thức đào tạo phối hợp, xác định lộ trình nghiên cứu để nghiên cứu sinh đạt được các mục tiêu của Đề án... Một số trường đại học, cao đẳng nơi sử dụng giáo viên chưa có cơ chế khuyến khích, chưa tạo điều kiện và chưa xây dựng kế hoạch cử, yêu cầu giáo viên phải đi đào tạo tiến sĩ theo Đề án.
Về phía Nhà nước, kinh phí dành cho thực hiện đề án còn hạn hẹp, sự phối hợp trong triển khai của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản còn chưa thực sự hiệu quả...
- Được biết, một số người đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài không trở về trường làm việc. Khi học xong, họ có thể đạt được một vị thế xã hội nên sẵn sàng bỏ giảng đường để tới những nơi có mức thu nhập cao hơn với môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tài năng của họ. Bà có đánh giá gì về vấn đề này ?
Q. Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Để nghiên cứu sinh sau khi kết thúc khóa học trở về trường nơi họ được cử đi học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định chặt chẽ tại Thông tư số 35/2012/BGDĐT ngày 12.10.2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 911, theo đó giáo viên được cử đi học phải có cam kết với nhà trường; nghiên cứu sinh, gia đình nghiên cứu sinh phải cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bồi hoàn học bổng theo quy định của Chính phủ nếu không trở về trường nơi cử đi đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế không thể tránh khỏi hiện tượng giáo viên sau khi được đào tạo chuyển công tác tới vị trí việc làm khác. Điều này do nhiều nguyên nhân nhưng các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, cao đẳng cũng phải thực hiện nhiều biện pháp để giảng đường luôn trở thành “nơi có mức thu nhập cao với môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tài năng của giáo viên” và là nơi các tiến sĩ tìm đến để làm việc.
Bên cạnh đó, một thực tế khác cũng không thể phủ nhận là ở Việt Nam hiện nay, nhiều trường đại học đã có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được tài năng của giáo viên giỏi, tâm huyết và đặc biệt là có tình yêu với quê hương nên những năm gần đây, có rất nhiều chuyên gia, giáo viên là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với thực tế đó, tôi tin rằng đa số giáo viên Việt Nam cũng sẽ không vì sự tính toán thiệt hơn mà không trở về nước hoặc rời bỏ giảng đường.
- Theo Bà để Đề án thực hiện được mục tiêu đã đề ra thì cần đẩy mạnh giải pháp nào ?
Q. Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Để đạt được mục tiêu của Đề án, chúng tôi cho rằng nên thực hiện đồng bộ những biện pháp:
Thứ nhất, các trường đại học, cao đẳng cần rà soát điều chỉnh kế hoạch tổng thể về bồi dưỡng, đào tạo giáo viên có trình độ tiến sĩ trong thời hạn của Đề án; có kế hoạch đăng ký và cử giáo viên đi đào tạo trình độ tiến sĩ hàng năm; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho giáo viên được cử đi và ưu đãi sử dụng khi hoàn thành khoá học.
Thứ 2, huy động nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để tham gia đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911, bảo đảm đa dạng chuyên ngành đáp ứng nhu cầu học tập của giáo viên.
Thứ 3, khai thác các nguồn lực khác nhau để thực hiện mục tiêu của Đề án - không chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước của Đề án 911 mà còn dựa vào các nguồn học bổng của các trường đại học nước ngoài, học bổng theo Hiệp định giữa các chính phủ hoặc khuyến khích tự túc cá nhân...
Thứ 4, đẩy mạnh hoạt động của trung tâm đào tạo tiền tiến sĩ để tạo nguồn nghiên cứu sinh, nâng cao khả năng ngoại ngữ, cung cấp kiến thức về học tập, định hướng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh trước khi đi đào tạo tại nước ngoài.
Thứ 5, điều chỉnh cơ chế, chính sách tài chính theo đúng tinh thần của Đề án 911 đã được Thủ tướng phê duyệt để bảo đảm cấp đủ kinh phí cho nghiên cứu sinh thực hiện các hoạt động học tập, nghiên cứu đối với phương thức đào tạo ở trong nước.
- Xin cám ơn Bà !
Đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, tính đến thời điểm 12.2014, đã tuyển được khoảng gần 3.000 nghiên cứu sinh và cử được trên 2.000 nghiên cứu sinh đi học tại nước ngoài. Đối với các trung tâm đào tạo tiền tiến sĩ, các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đã chủ động thành lập trung tâm theo quy định của Đề án; tích cực, nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện đào tạo ngoại ngữ và kiến thức định hướng cho nghiên cứu sinh khi học ở nước ngoài. Đến nay, mỗi trung tâm tổ chức được trên 10 lớp với tổng số khoảng trên 2.000 học viên.
Người đại biểu nhân dân