Chúng ta đều biết, trong các vấn đề về cải cách giáo dục, thì cải cách thi cử có thể được coi là một khâu đột phá và rất quan trọng. Thay đổi khâu đó sẽ trực tiếp tác động đến việc giảng dạy, học tập và mở đường cho những cải cách về chương trình học tập giảng dạy, sách giáo khoa,…
Dư luận chung cho rằng, với việc thực hiện “Đề án thi 2 trong 1”, xét tốt nghiệp có đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh bậc THPT là thể hiện được sự đánh giá toàn diện. Bên cạnh đó, thí sinh phải thi 3 môn chính: Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn là rất đúng. Chính sự thay đổi này đã tạo điều kiện cho thí sinh phát huy được hết năng lực và sở trường của mình, từ đó giúp thí sinh đạt hiệu quả cao trong kỳ thi. Hơn nữa, với việc tự chọn các môn thi của thí sinh, tránh được các tiêu cực thường xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp cũ, đồng thời giúp các trường đại học nắm bắt rõ hơn về thông tin của thí sinh trong quá trình tuyển sinh.
Đề án thi “2 trong 1” không những mang lại những hiệu quả như trên mà còn giảm bớt được gánh nặng, áp lực căng thẳng trong việc tổ chức thi, giảm bớt được khó khăn, đặc biệt là gánh nặng kinh tế cho hàng triệu gia đình thí sinh mỗi khi mùa thi đến.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, đề án “2 trong 1” vẫn còn một số bất cập cần được khắc phục. Như đã phân tích, mục tiêu đầu tiên mà đề án “2 trong 1” nhằm hướng tới là tạo điều kiện cho thí sinh tự lựa chọn môn yêu thích phù hợp với khả năng của mình, nhằm giúp các thí sinh lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp. Thế nhưng, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 vừa qua, các thí sinh lại phải gồng mình chạy đua trong vòng 20 ngày với tâm trạng thấp thỏm và lo sợ để nộp và rút hồ sơ, chỉ nhằm mục đích là đỗ vào trường đại học bất kỳ nào đó, mà quên mất rằng, mình vừa lựa chọn môn thi theo niềm đam mê, sở thích và năng khiếu của bản thân. Điểm cao thì “đè” điểm thấp, miễn sao có tên trong giấy báo nhập học là được.
Một khía cạnh nữa là hàng loạt cải cách phải thực hiện nếu triển khai đề án “2 trong 1”, đó là cải cách chất lượng giảng dạy, cải cách nội dung sách giáo khoa… kèm theo đó sẽ kéo theo không ít những khó khăn, phức tạp mà chúng ta cũng có thể hình dung được, kể cả những khó khăn rất lớn về kinh tế. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT không nên chỉ hướng đến việc thay đổi phương thức, cơ cấu của mỗi đề án, mà cũng cần phải xem xét mức độ và sự thuận lợi của đề án đó đối với xã hội, đặc biệt đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhằm mục tiêu tất cả thế hệ trẻ Việt Nam đều được đi học.
Tiếp đến, đối với các trường đại học thì việc áp dụng đề án “2 trong 1” sẽ được thực hiện ra sao, khi việc thí sinh được xét tối đa vào 4 ngành trong một trường, có quyền chọn đăng ký các ngành học cùng một khối hoặc khác khối, điều này dẫn đến lượng thí sinh ảo quá nhiều. Chính điều đó dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xét tuyển, đi ngược lại với mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đặt ra trong kỳ thi tích hợp “2 trong 1” này là giảm tỷ lệ thí sinh ảo... Vì những bất cập như trên, các trường đã phải đưa ra những phương án tuyển sinh với những yêu cầu vòng sơ loại riêng, dùng học bạ để tính điểm xét tuyển vòng sơ loại.
Nhìn chung đề án “2 trong 1” về cơ bản có thể coi là một bước đi mới trong việc cải cách, đổi mới nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, do năm đầu tiên thực hiện, đề án “2 trong 1” cũng sẽ không tránh khỏi một số hạn chế, thiếu sót, mà rồi đây, Bộ GD&ĐT sẽ phải rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và nhanh chóng có hướng khắc phục để áp dụng hiệu quả cho năm sau, theo đúng tiêu chí lành mạnh, tiến bộ, tích cực mà Bộ GD& ĐT đưa ra./.
ĐCSVN