Theo ông Hoàng Đức Hà, giáo viên dạy tiếng Việt tại tỉnh Kampot, Campuchia: hiện nay, một bộ phận lớn con em người Việt tại Campuchia không biết tiếng Việt, chữ Việt. Ngay các con của ông cũng vậy. Do có trình độ văn hóa và điều kiện gia đình khá hơn, ông được giao trọng trách làm giáo viên lớp tiếng Việt trong tỉnh. Ông chia sẻ: “chỉ nhớ láng máng rằng, chữ Việt có 24 chữ cái, 6 thanh điệu và với tinh thần người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết..., tôi tự soạn bài giảng, bắt đầu là những từ, câu đơn giản, gần gũi trong gia đình, trong cuộc sống. Tôi khá lúng túng khi học sinh đòi hỏi nội dung bài học cao hơn, đa dạng hơn. Với những bài giảng, tôi soạn theo nội dung của một giáo trình Anh ngữ phổ cập, có cải biên đôi chút về tên người, địa danh cho phù hợp với việc học tiếng Việt và học sinh”.
Hiện có khoảng 125.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Đức. Trên toàn nước Đức có khoảng 50 đến 60 lớp tiếng Việt do các hội đoàn người Việt đứng ra tổ chức và những lớp học tiếng Việt tổ chức theo hình thức lớp học ngoại khóa trong các trường học của Đức. Điều mà nhiều giáo viên dạy tiếng Việt lo lắng, đó là ngày càng thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản (biết nói tiếng Đức); cần nhất là các bộ sách tham khảo làm tài liệu dạy tiếng Việt. “Các giáo viên tiếng Việt thường dùng giáo án tự soạn dựa trên bộ sách tiếng Việt của NXB Giáo dục, nhưng bộ sách này dành riêng cho học sinh trong nước. Trong khi đó, tiếng Việt của học sinh tham gia lớp tiếng Việt tại Đức không đồng đều” - bà Lương Yến, giáo viên dạy tiếng Việt tại Berlinnói.
Tình trạng thiếu giáo viên và tài liệu dạy học cũng phổ biến tại Czech khi quốc gia này có tới 65.000 người Việt sinh sống. Bà Trương Kim Anh, cán bộ trường tư thục GĐ - Skola, Praha, cho biết, khó khăn lớn nhất trong các trung tâm dạy tiếng Việt là thiếu trầm trọng giáo viên. “Nhiều cô giáo rất nhiệt tình tham gia nhưng công việc chính của họ là kinh doanh tại các ngành nghề, tiếng Czech họ chỉ biết giao tiếp, không thể dùng trong dạy học, chưa kể họ gặp khó khăn trong sử dụng tài liệu một cách khoa học để giảng dạy”.
Việc duy trì, gìn giữ văn hóa dân tộc thông qua giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài rất cần thiết. Bà Lương Yến đề xuất: “cần có giáo trình dạy tiếng Việt cho phép học sinh học theo trình độ riêng, giáo viên chỉ là người hỗ trợ khi cần thiết. Giáo trình này sẽ bao gồm nhiều tranh minh họa, các bài tập đa dạng để phân biệt mặt chữ, tập viết và tập đọc, kèm theo hướng dẫn cách phát âm các chữ cái chuẩn”. Ông Hoàng Đức Hà bổ sung, năm 2011, nhờ có một số con em người Việt tại Campuchia được về học tại trường dự bị Đại học TP Hồ Chí Minh đem về cuốn Giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài của NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, công việc dạy, học tiếng Việt của giáo viên tại tỉnh đỡ vất vả và được cải thiện nhiều. “Đối với cộng đồng người Việt tại Campuchia, vấn đề giảng dạy tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để việc duy trì bản sắc văn hóa Việt, đặc biệt là duy trì ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho con em chúng tôi ở Campuchia được tốt hơn. Rất mong Nhà nước xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt, văn hóa Việt, tài liệu chính thức giảng dạy chữ viết, văn hóa Việt”.
Từ ngày 10 - 28.8 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. Tham gia khóa tập huấn có hơn 40 học viên là giáo viên đang giảng dạy các lớp học tiếng Việt cho kiều bào tại các nước, vùng lãnh thổ như Campuchia, Lào, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania... Chương trình đào tạo theo giáo trình dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài như: Tiếng Việt Vui, Quê Việt và một số tài liệu liên quan do Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện.
Là người trực tiếp giảng dạy và biên soạn sách cho người Việt Nam ở nước ngoài, PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồì Chí Minh góp ý: xuất phát từ trình độ học sinh và mong muốn của nhiều giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài, cần đưa ra tiêu chuẩn cho một giáo trình tốt, đó là thể hiện rõ mục đích, nhiệm vụ của người dạy và người học; phương pháp khoa học và sư phạm; in ấn rõ ràng dễ đọc; có tranh ảnh; các nhiệm vụ học không nhàm chán; đề tài đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng và trình độ người học; có chỉ dẫn, giải thích rõ ràng và có hệ thống.
Người đại biểu nhân dân