243
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 20/06/2016 08:07
Dạy người song hành dạy chữ
Trên thế giới, đặc biệt là tại các nước có nền giáo dục phát triển, kỹ năng sống luôn được coi trọng trong chương trình giáo dục và được đào tạo ở mọi trình độ. Thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục - đào tạo, song song với “dạy chữ”, nhiều trường phổ thông ở Việt Nam giờ đây đã quan tâm hơn đến “dạy người”, dạy kỹ năng sống.

Từ câu chuyện đi lạc…


Lê Hoài Anh, học sinh lớp 5, do mải chơi nên đã bị lạc tại một trung tâm Thương mại lớn ở Hà Nội. Bố mẹ cô bé lo lắng đi tìm kiếm một lúc lâu mới thấy con. Khi được hỏi tại sao không nhờ gọi điện cho người lớn thì cô bé trả lời là “sợ người lạ”. Trong tình huống trên, nếu Hoài Anh được rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn, chắc chắn cô bé sẽ tự tin tìm ra cách giải quyết phù hợp, như đến quầy thu ngân nhờ các cô nhân viên gọi loa tìm mẹ. Đây là ví dụ đơn giản về một góc của kỹ năng sống.

 

Thực tế, nhiều trường học hiện nay chưa chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng này cho học sinh. Thậm chí, hầu hết các trường công chưa hề có môn này trong chương trình giảng dạy. Cô giáo Trần Thùy Dương, từng dạy ở một trường THCS tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, giáo viên thường hay tận dụng tiết Đạo đức hoặc sinh hoạt lớp để chia sẻ kỹ năng sống với các em, từ giao tiếp đến cách xử lý các tình huống. Tuy nhiên, do giáo dục kỹ năng sống chỉ được coi như “cưỡi ngựa xem hoa” nên nhiều khi giáo viên lại hay được triệu tập… đi họp trong những tiết học này.

 

Có lẽ, áp lực chuyển tải quá nhiều nội dung trong một thời gian có hạn khiến giáo viên buộc phải tập trung vào cung cấp kiến thức mà ít quan tâm rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực cho học sinh. Vì vậy, rất nhiều học sinh chỉ biết học gạo hoặc do được quá bao bọc nên trở nên thụ động, không biết cách xử lý hoặc tỏ ra sợ hãi trước những tình huống xã hội. Tình trạng trẻ em vô lễ với người lớn, thiếu quan tâm đến người khác hay không có ý thức cộng đồng… phổ biến hiện nay cũng là do thiếu kỹ năng sống mà ra.

 

Nhiều trường vào cuộc


Có lẽ, do nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống, một số trường đã đưa nó vào một vị trí quan trọng trong chương trình giảng dạy của mình. Chẳng hạn như hệ thống giáo dục của Vinschool đã đưa ra chương trình giáo dục “5 trong 1” với các cấu phần Văn hóa, Tiếng Anh, Nghệ thuật, Thể chất và Kỹ năng sống được đầu tư nghiêm túc, cung cấp cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn trang bị kỹ năng học tập, kỹ năng xã hội… Chương trình “The Leader in Me” (Nhà lãnh đạo trong tôi) mà trường đang áp dụng đặc biệt hướng tới rèn luyện thái độ sống chủ động, tích cực và các kỹ năng để thành công cho từng cá nhân học sinh. Ban Giám hiệu Trường THPT Đinh Thiện Lý (TP Hồ Chí Minh) lại có ý tưởng xây dựng dự án “Học văn để sống”, dạy ngữ văn theo phương pháp mới, giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm và hình thành nhân cách thông qua những hoạt động thực tiễn, tiếp xúc, cọ xát với thực tế.

 

Thông thường, các hoạt động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại… được nhà trường tổ chức nhiều nhất. Thầy Nguyễn Việt Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Những chuyến đi trải nghiệm, nhất là vào nhà máy, đến trang trại, sẽ giúp các em hiểu về công việc của công nhân, sự lam lũ, cực nhọc của nông dân… Từ đó, các em sẽ có nhìn nhận nhân văn và ý thức chia sẻ.

 

Cái khó bó cái khôn


Tuy nhiên, triển khai đại trà việc dạy kỹ năng sống trong trường học không dễ. Cái khó đầu tiên luôn là kinh phí. Để giáo dục kỹ năng sống đòi hỏi phải tổ chức rất nhiều sự kiện thực tế. Mặc dù các chuyến dã ngoại của học sinh đều do các phụ huynh đóng góp, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để cho con tham gia đầy đủ. Bản thân giáo viên cũng không được đào tạo bài bản, buộc nhà trường phải thuê chuyên gia về lĩnh vực này, rất tốn kém. Thường trong một năm học, trường nào đầu tư lắm cũng chỉ tổ chức được 1 - 2 buổi mời chuyên gia đến nói chuyện với học sinh về một phần nào đó của kỹ năng sống. Mới đây, Bộ GD - ĐT đã kêu gọi phổ cập kỹ năng bơi trong nhà trường. Trường có điều kiện mạnh tay đầu tư xây bể bơi thông minh, trường không có điều kiện quay sang thuê bể bơi, nhưng điều bất cập ở chỗ, bộ môn này chỉ có thể dạy vào mùa hè, học sinh không được rèn luyện liên tục.

 

Hơn nữa, nhiều hoạt động thực tế còn mang tính hình thức, phong trào, chưa thực sự tạo hứng thú cho học sinh. Em Phạm Ngọc Linh, học sinh lớp 6 một trường tư khá nổi tiếng ở Hà Nội cho biết không quá hứng thú trong mỗi đợt dã ngoại và tham quan ở trường vì chương trình hoạt động khá dày đặc, nhiều khi diễn ra dưới thời tiết oi bức khiến các em mệt mỏi, khả năng khám phá, lĩnh hội, rút ra bài học từ thực tế bị kém đi.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân cần có để tương tác với người khác một cách hiệu quả hoặc ứng phó với những vấn đề hay thách thức của cuộc sống hàng ngày.

 

Đại biểu nhân dân