Cụ thể, tránh khẩu hiệu
Việc xây dựng Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam nhằm phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí 2016, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của đời sống báo chí đang trở nên đa dạng, diễn biến phức tạp. Theo ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bộ Quy định mới được xây dựng trên 3 yếu tố chính: Kế thừa bộ Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam ban hành năm 2005; tham khảo các bộ quy định đạo đức báo chí của nước ngoài; dựa trên nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức - hai phạm trù luôn có sự gắn kết, thống nhất với nhau, đây là điểm mới và rất cơ bản của Quy định lần này. Những gì thuộc về nền tảng cốt lõi của hoạt động báo chí và đặc biệt liên quan trực tiếp đến đạo đức, lương tâm trách nhiệm của nhà báo, phải được đưa vào Quy định. Bên cạnh đó, Quy định mới căn cứ vào biến động, thay đổi của đời sống xã hội, đời sống báo chí và thời đại truyền thông kỹ thuật số mà Quy định năm 2005 chưa đề cập.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điều. PGS.TS. Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, Quy định cần ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ, chắt lọc, khái quát những vấn đề chung nhất, cơ bản của đạo đức nghề nghiệp người làm báo, không đi quá vào chi tiết. Tuy nhiên, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam góp ý, dung lượng và cách trình bày của Quy định phải tham khảo báo chí nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà có những tòa báo ra quy tắc hành nghề lên đến hơn 150 điều. “Trước kia, sở dĩ làm Quy định về đạo đức hành nghề gắn gọn, vì lo dài quá, nhà báo không nhớ; nhưng nhớ có thi hành không mới quan trọng. Để dung hòa điều đó, nên chăng có bản Quy định ngắn gọn, bên cạnh đó có bản phân tích rõ ràng, để những người mới vào nghề biết”.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông đồng tình: “Quy định về đạo đức nghề nghiệp cô đọng và khái quát, khi phóng viên vi phạm thì khó xử lý. Do đó, quy định đầy đủ, phù hợp thực tiễn, không câu nệ dài hay ngắn, bởi Quy định dài mà có hành lang để nhà báo thực hiện thì tốt. Bên cạnh đó, Quy định phục vụ cho nhà báo hành nghề, cần tránh khẩu hiệu”.
Thể hiện đặc thù nghề nghiệp
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, Quy định về đạo đức hành nghề của người làm báo Việt Nam không nên chung chung theo kiểu thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; trung thực, khách quan, công bằng, bảo vệ công lý và lẽ phải; không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi... Phải có những quy định cụ thể hơn, làm nổi bật đặc thù nghề nghiệp, qua đó thể hiện đạo đức của người làm báo. Ông Lưu Đình Phúc cho rằng, đặt quan hệ của nhà báo, người làm báo với các chủ thể khác nhau, ví dụ với Nhà nước, ứng xử của báo chí phải tuân thủ quy định lợi ích quốc gia, cộng đồng. Đặt trong quan hệ với công dân, tổ chức, liên quan đến vấn đề đời tư, danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức, nhà báo phải thực hiện ra sao... Bên cạnh đó, theo nhà báo Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân Quy định cần thể hiện sự hội nhập của báo chí Việt Nam với báo chí thế giới. Bởi nhà báo Việt Nam không chỉ tác nghiệp ở trong nước mà còn ở nước ngoài, và phải tuân theo những chuẩn mực của thế giới…
Dựa trên các ý kiến tại hội thảo, Ban soạn thảo sẽ họp, cân nhắc, tiếp tục chỉnh sửa, gửi tới các cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí để tiếp tục hoàn chỉnh. Quy định khi được Ban Chấp hành Hội Nhà báo thông qua sẽ cùng thực hiện với Luật Báo chí 2016, có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Ông Hồ Quang Lợi cho biết: “Mục tiêu của Quy định nhằm dẫn dắt lương tâm của người cầm bút. Từ ý nghĩa tích cực này, chúng ta tin tưởng bộ Quy định sẽ lan tỏa trong đời sống báo chí và tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ người làm báo Việt Nam. Trên nền tảng luật pháp và đạo đức, chúng ta cùng xây dựng một nền báo chí lành mạnh, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân”.
Theo Luật Báo chí 2016, người vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành sẽ bị thu hồi thẻ Nhà báo, nếu chưa có thẻ nhà báo mà vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp sẽ không được xét cấp thẻ.
Đại biểu nhân dân