378
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 11/06/2015 09:09
Đánh giá năng lực - Xu hướng tất yếu của đổi mới thi cử
Vừa qua, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đã hoàn tất kỳ thi đánh giá năng lực lấy kết quả tuyển sinh vào các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội năm 2015. Thống kê sơ bộ tại các cụm thi Đại học Công nghiệp Hà Nội, Hồng Đức, Vinh, Kiến trúc Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên, trong tổng số hơn 10.330 bài thi có 72,8% đạt từ 70 điểm trở lên.
Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.

Triệt tiêu tiêu cực


Theo Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, tính đến hết ca thi thứ 8, tổng số thí sinh dự thi là 43.360, chiếm 96% số đăng ký. Có 9 em bị đình chỉ, đều do mang điện thoại di động vào phòng thi. Tổng thí sinh phải chuyển ca là 119 em. “Tỷ lệ 96% thí sinh dự thi cho thấy sự hứng thú của các em đối với kỳ thi. Hầu hết thí sinh đã làm bài thi mẫu, nên không tỏ ra bỡ ngỡ với hình thức thi này. Ở những điểm thi ngoài Hà Nội, không có thí sinh không quen với máy tính, thao tác sai”, thầy Sơn nhận định.



ĐHQG Hà Nội cũng cho biết, suốt đợt thi không phát sinh những tiêu cực như thí sinh mang theo phao. Các trường hợp bị kỷ luật đều do lỗi đáng tiếc là mang điện thoại vào phòng thi. Không có sự cố nào phát sinh từ việc cán bộ không tuân thủ đúng quy trình. Qua thăm dò, thí sinh và phụ huynh đều rất hài lòng. Như vậy bước đầu có thể thấy, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG đã thành công tốt đẹp. 

  

Năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, nhưng ĐHQG Hà Nội là trường đại học duy nhất thực hiện kỳ thi tuyển sinh riêng, không phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia. Trường tổ chức thi bằng bài thi đánh giá năng lực (gồm các kiến thức tổng hợp). Những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) phải làm thêm bài thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ trước khi làm bài thi đánh giá năng lực. Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Dù là năm đầu tiên ĐHQG tổ chức, nhưng số thí sinh đăng ký dự thi có thể nói là kỷ lục. Riêng đợt thi 1 đã có 45.350 thí sinh đăng ký dự, cho thấy sức hấp dẫn của kỳ thi đối với người học.

 

Điều thú vị nhất của kỳ thi là các em làm bài thi trên máy tính, điểm thi không phải là điều bí mật vì các em thi xong đã biết ngay kết quả. Điểm đáng mừng nhất của kỳ thi là phần mềm đã hoạt động tốt, không có sự cố về kỹ thuật dù phải huy động tới hơn 7.000 máy tính.

 

Không kiểm tra kiến thức kiểu học thuộc lòng


Theo Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, mục tiêu quan trọng nhất của trường khi tổ chức kỳ thi này là đánh giá đúng năng lực của từng thí sinh. Đây mới là bước đi đầu tiên trong quá trình đổi mới phương thức tuyển sinh, đánh giá năng lực đầu vào. Vẫn còn nhiều việc ĐHQG cần tiếp tục phải làm để hoàn thiện kỳ thi, nhất là kỳ thi phải được thiết kế tương thích với nhịp độ đổi mới ở cấp THPT. ĐHQG Hà Nội sẽ còn phải hoàn thiện hơn ở tất cả khâu, từ phần mềm đến quy chế tuyển sinh, quy trình thao tác và bộ đề, ma trận đề. Bởi như ông Nguyễn Kim Sơn nói, đề thi năm nay nội dung bộ đề chủ yếu ở chương trình THPT, phần nhiều ở lớp 12. Có thể những năm sau, kiến thức thực tế từ cuộc sống sẽ được đưa vào bộ đề.



Với kỳ thi đánh giá năng lực này của ĐHQG Hà Nội, có thể thấy dư luận xã hội đang hết sức quan tâm. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng ủng hộ phương thức thi đầy tính đổi mới toàn diện này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cũng đánh giá, đây là một cải cách về thi cử vừa mang tính chất đột phá, vừa tạo thay đổi rất căn bản. Bởi kỳ thi này khắc phục được những nặng nề và tiêu cực của hệ thống thi cử hiện nay ở trong cả 3 khâu: ra đề thi - coi thi - chấm thi. Vì những tiêu cực này mà nhiều khi thi cử đánh giá không chính xác những người có điều kiện, khả năng học tập nên lựa chọn đầu vào không đúng. Nhưng với cách thi của ĐHQG Hà Nội sẽ giải quyết được cùng những vấn đề đó.

 

“Đề thi của ĐHQG Hà Nội nhằm đánh giá năng lực học sinh, chứ không phải kiểm tra kiến thức kiểu học thuộc lòng. Cách thi cũng đảm bảo khách quan vì sử dụng máy tính, không phải quan tâm quá nhiều đến coi thi. Việc chấm thi cũng thế, học sinh làm xong bài là biết điểm luôn nên gần như không có tiêu cực, “chạy điểm”. Một điều tốt nữa là các em được độc lập, chủ động dự thi”, ông Đào Trọng Thi phân tích. 



Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp... Thế giới đã làm lâu rồi, nhưng phương thức tuyển sinh này mới được ĐHQG Hà Nội thí điểm trong một số chuyên ngành sau đại học từ năm 2011 đến nay và bắt đầu chính thức triển khai từ năm 2015. Những ưu điểm của kỳ thi này đã từng được nhiều trường đại học ủng hộ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để thực hiện đổi mới thi cử trên phạm vi quốc gia từ năm 2015.

 

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, để tiến tới kỳ thi đánh giá năng lực thì cần lộ trình, để giáo viên và học sinh làm quen với đổi mới cách dạy, cách học, chưa thể vận dụng ngay tại thời điểm này. Đó là lý do mà năm 2015 này, chỉ có ĐHQG Hà Nội thực hiện phương thức thi cử này còn toàn quốc chuyển sang kỳ thi quốc gia THPT với 2 mục đích. Nhưng chắc chắn, kỳ thi đánh giá năng lực trong tương lai sẽ là cách thi mà giáo dục ViệtNamhướng tới vì những ưu điểm của nó, nhất là trong việc triệt tiêu tiêu cực.

 

SGGP