1564
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 12/01/2015 14:09
Đảng, đất nước, nhân dân cảm hứng nghệ thuật của nghệ sĩ từ chiến tranh ái quốc vĩ đại
Hơn 70 tranh cổ động và mẫu tem của các họa sĩ Việt Nam vẽ từ những năm 1950 - 1980 đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm tái hiện cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu; hình tượng phụ nữ Việt Nam, anh bộ đội cụ Hồ… trong giai đoạn sục sôi khí thế cách mạng của đất nước.

Triển lãm tranh cổ động Một khí thế cách mạng được chọn lọc từ bộ sưu tập Dogma của Dominic Scriven, do nghệ sĩ Italy Richard di San Marzano giới thiệu. Các tác phẩm ra đời trong chiến tranh chống Mỹ, mang nhiều giá trị lịch sử. Theo ông Dominic Scriven: “Chưa có triển lãm nào như triển lãm này được trưng bày trong bảo tàng, tạo cơ hội hiếm có cho người xem trải qua sự đa dạng, hấp dẫn của những bức tranh cổ động ra đời vào những năm kháng chiến triền miên”.

 


 

Người xem như được sống lại không khí những ngày cả nước tổng động viên. Trái với sự khốc liệt của chiến tranh, bên cạnh lưỡi lê, đạn pháo và những chiếc máy bay đang bốc cháy ngùn ngụt là khát khao, mong mỏi và quyết tâm thống nhất đất nước, ước mơ được hòa bình, thể hiện qua các đề tài: động viên chiến sĩ quân giải phóng miền Nam, các quân binh chủng chiến đấu ở miền Bắc; cổ vũ tinh thần phối hợp chiến đấu của công nông binh; ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến thắng của quân dân trên các mặt trận... Nghệ sĩ Richard di San Marzano nhận xét: tranh cổ động của Việt Nam có những đặc điểm riêng so với tranh cổ động của các nước như Trung Quốc, Triều Tiên hay Cuba... trong đó có những bức đạt tới giá trị cao của nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện thực. Có những lời kêu gọi hợp tác chặt chẽ giữa quân và dân như Chung một lý tưởng, Sức mạnh nhân dân vô địch, Sản xuất và chiến đấu; nêu cao tinh thần chiến đấu với Vững tay súng giữ màu hoa, Giữ lấy vừng trăng thanh bình cho các cháu, Sẵn sàng tòng quân vì sự thống nhất của Tổ quốc, Quyết vượt Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có Trồng nhiều ngô, Người Tây Nguyên một lòng theo các mạng; thậm chí lời kêu gọi tháo gỡ bom mìn chưa nổ để tái chế cũng được mô tả và ca ngợi như Tích cực đảm bảo tốt cầu đường để phục vụ tiền tuyến. Đặc biệt, hình ảnh đường mòn Hồ Chí Minh với bao gian nguy, khó nhọc của những người lính và những người làm nhiệm vụ tải đạn, lương thực xuất hiện trong các tác phẩm Đảm bảo giao thông mở đường thắng lợi, Quyết thắng giặc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải, Đảm bảo giao thông chống Mỹ cứu nước...





Nhớ lại thời kỳ đầy sục sôi ấy, họa sĩ Trịnh Kim Vinh cho biết: nếu nói về tranh cổ động thì chỉ có kỷ niệm gian khổ thôi. Mình đang vẽ, máy bay đến thì phải chạy. Vẽ đến đâu phải đi đến đó. Tuy nhiên, có tác phẩm vẽ tại mặt trận nhưng để tuyên truyền, cổ động phong trào ở hậu phương. Tác phẩm Anh đi chống Mỹ, việc nhà có em của tôi ra đời tháng 3.1966, khi quân và dân ta đang ra sức chống chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Bấy giờ, chiến trường miền Nam đang cần tăng cường xây dựng lực lượng, phong trào tuyên truyền giữ nước và chống giặc vì thế diễn ra sôi nổi. “Là họa sĩ, tôi muốn dùng nét bút chống giặc, giữ nước với tất cả tâm huyết của mình, tuyên truyền cho phong trào phụ nữ đảm việc nhà, nuôi con, chăm mẹ để chồng yên tâm ra trận”. Với họa sĩ Phạm Thanh Tâm, mọi hoạt động của bộ đội và nhân dân khi đó đều hiện diện trong tranh cổ động. “Tôi như thấy lại khí thế vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đặc trưng của chiến tranh nhân dân ViệtNam. Những bức tranh khiến tôi như được gặp lại đồng đội mình. Các tác phẩm tranh cổ động này vẫn còn nguyên giá trị trong việc động viên thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

 

 

Một khí thế cách mạng cho thấy sự đa dạng của nghệ thuật tranh áp phích Việt Nam. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Tranh cổ động đã cùng dân tộc đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây là bộ sưu tập quý, vì mỗi bức tranh được in lại rồi phóng to chứ không phải là tranh vẽ lại, nhờ đó chúng ta được nhìn lại những nét bút vẽ vội, sơ sài, nhiều mảng màu tô đi tô lại... Nhưng chính điều đó lại làm người xem xúc động”.

 

Người đại biểu nhân dân