279
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 24/01/2016 15:12
Cuộc đua nhân lực ngành du lịch
Khi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong Cộng đồng ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, cuộc đua nhân lực ngành du lịch chắc chắn gay gắt hơn. Thỏa thuận này là thách thức hay cơ hội tùy thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị để đón nhận nó như thế nào.
Nguồn: hanoimoi.com.vn

Nước đã đến chân


Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong AEC cho phép những người lao động trong khối ASEAN có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được Hội đồng cấp Chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch của các quốc gia thành viên chứng nhận có thể tự do tìm việc ở các quốc gia thành viên. Điều này góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành du lịch trong khối ASEAN, đồng thời sẽ tạo điều kiện thu hút nhân tài để đáp ứng cho sự thiếu hụt về lao động có trình độ và kỹ năng cao tại các địa phương.

 

Sự chuyển dịch nhân sự du lịch trong các nước ASEAN sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh đối với nhân lực du lịch Việt Nam, nhất là khi chất lượng nhân lực du lịch nước ta bị đánh giá thấp hơn các nước trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp lữ hành nước ta đang phải đi thuê nhân sự nước ngoài từ các cấp độ giám sát đến trưởng, phó bộ phận, nhất là các khách sạn 4 - 5 sao, khu resort hoặc những công ty lữ hành lớn. Không chỉ thiếu hụt nhân sự cao cấp như quản lý khách sạn, nhà hàng, lữ hành, điều hành tour… ngay lực lượng lao động trực tiếp như hướng dẫn viên, bán hàng, phục vụ bàn ăn, nhân viên buồng phòng… vẫn chưa đạt chuẩn, từ cung cách, thái độ phục vụ, đến nghiệp vụ du lịch. Trên thực tế, số người được đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chỉ chiếm 3,2% tổng nhân lực. Trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng du lịch hiện chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, bằng 19,8% tổng nhân lực toàn ngành du lịch. Trình độ sơ cấp (đào tạo dưới 3 tháng) hiện chiếm 45,3% nhân lực có chuyên môn.

 

Hiện cả nước có 700.000 người làm việc trực tiếp và hơn 1,5 triệu người làm việc gián tiếp trong ngành du lịch. Rất nhiều trong số này, đặc biệt là những người làm việc trực tiếp, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiến trình hội nhập, còn rất nhiều người chưa đủ kỹ năng về nghề nghiệp, ngoại ngữ để sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh với những người lao động có kỹ năng trong khối. Cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp du lịch lớn nhận thức được những thách thức sắp tới để thực hiện một số chuyển đổi cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đa số trong ngành du lịch ViệtNam, có vẻ vẫn bình chân như vại.

 

Thách thức hay cơ hội?


Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong AEC là thách thức hay cơ hội phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta chuẩn bị để đón nhận nó ở trạng thái chủ động hay bị động.

 

Chủ động nghĩa là phải thay đổi ngay từ khâu đào tạo để nâng cao chất lượng lao động du lịch nước nhà. Trong bối cảnh này, bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) phiên bản 2013 được Dự án EU bàn giao cho Tổng cục Du lịch hôm 15.1 được xem là cứu cánh.

 

VTOS 2013 được xây dựng dựa trên 6 lĩnh vực nghề chính: lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành và hướng dẫn du lịch. Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng mở rộng cho 4 lĩnh vực chuyên biệt đáp ứng các nhu cầu cao của ngành gồm thuyết minh du lịch, phục vụ tàu thủy du lịch, quản lý khách sạn và vận hành cơ sở lưu trú nhỏ.

Bộ tiêu chuẩn này có thể được sử dụng cho việc hỗ trợ xây dựng giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ và vừa, các khách sạn, các công ty du lịch và lữ hành. Điều đó tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy và đào tạo nghề cũng như nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Bộ tiêu chuẩn được xây dựng tương thích với tiêu chuẩn năng lực chung về nghề du lịch trong ASEAN và đáp ứng các quy định của Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN. Tổng cục Du lịch sẽ gửi bộ tiêu chuẩn VTOS chuẩn hóa thành tiêu chuẩn nghề quốc gia để sử dụng hiệu quả nhất trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập.

 

Đại biểu nhân dân