271
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 21/01/2016 09:38
Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - bình thường hay bất thường?: Đi ngược xu thế
LTS: Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý III.2015, cả nước có hơn 1.128.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó, 225.500 người có trình độ đại học trở lên (tăng 26.100 người so với quý II); 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (tăng 24.100 người so với quý II); 131.900 người có trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề. Điều này có phải là sự lãng phí nguồn nhân lực hiện nay?

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng người lao động có trình độ đại học, thạc sĩ thất nghiệp chiếm 20% tổng số lao động thất nghiệp như trong quý III.2015 là đi ngược xu thế của thế giới. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?


Học càng cao càng dễ thất nghiệp?


PGS. TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore lấy dẫn chứng, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm có bằng cấp tại Singapore xấp xỉ hoặc cao hơn một chút so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Cụ thể, trong các năm 2013, 2014 và 2015, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có bằng đại học trở lên lần lượt là 2,8%, 2,9% và 2,8%; tỷ lệ thất nghiệp trong tổng số lao động lần lượt là 2,8%, 2,7% và 2,5%. Thời gian thất nghiệp chủ yếu dưới 6 tháng, tỷ lệ thất nghiệp trên 6 tháng chỉ 0,6% cho cả nhóm có bằng cấp và tổng thể lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có bằng cấp tương đối ổn định. Đối chiếu với thực tế tại ViệtNam, tỷ lệ thất nghiệp có bằng cấp có xu hướng tăng, thời gian thất nghiệp kéo dài hơn là những điểm khác biệt căn bản. “Do đó, lo lắng về lượng và chất của lực lượng lao động có bằng cấp của Việt Nam là có cơ sở”, PGS. TS. Vũ Minh Khương nhận định.

 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Ngọc Vinh đánh giá, bức tranh về nhân lực, việc làm và trình độ của nước ta đang đi ngược thế giới. Theo đó, xu hướng thế giới là đào tạo trình độ càng cao, tỷ lệ thất nghiệp càng thấp, nhưng ở nước ta ngược lại. Lý giải tình trạng này, ông Vinh cho rằng, trước hết bởi nguồn cung đang vượt cầu, dẫn đến thừa lao động. Thứ hai, những doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hút rất nhiều lao động, nhưng đòi hỏi kỹ năng, trình độ của người lao động ở mức vừa phải vì tốc độ đổi mới công nghệ thấp. Ngay với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển dụng phần lớn là lao động phổ thông. Một nguyên nhân quan trọng khác ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nguồn lao động được chỉ ra là vấn đề đào tạo. Ông Vinh phân tích, đào tạo trình độ cao cần bảo đảm chất lượng, đòi hỏi thầy giỏi, chương trình phải gắn với nhu cầu thị trường, tức là chi phí tài chính phải cao. Song, trên thực tế, một sinh viên học trường công tại nước ta chỉ phải trả chi phí học khoảng 300USD/năm, trong khi một sinh viên ở quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cần khoảng 15.000USD/năm. “Trong giáo dục không thể có việc nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Muốn nhanh, nhiều thì phải chi phí cao, còn muốn tốt, rẻ thì mất thời gian hơn”, ông Vinh nhấn mạnh.

 

Đào tạo có chất lượng


Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ lao động có bằng cấp, đặc biệt bằng cấp cao như đại học, thạc sĩ thất nghiệp là do mở rộng quy mô cũng như số lượng trường đại học, cao đẳng, dẫn đến thừa thầy, thiếu thợ. Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, điều này không hoàn toàn đúng. “Nhiều người phê phán quy mô trường đại học mở rộng, vậy xin hỏi rộng là bao nhiêu? Hiện nay, tổng nguồn nhân lực lao động của cả nước khoảng 51 - 52 triệu người, trong đó tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học chiếm khoảng hơn 8%, trình độ cao đẳng và trung cấp hơn 7%, dạy nghề ở các trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng nghề là 5%, còn lại khoảng 80% chưa qua đào tạo. Cấu trúc nhân lực của các nước thuộc OECD và các nước phát triển cho thấy, tỷ lệ lao động có trình độ đại học chiếm 25 - 30% trong tổng cơ cấu nhân lực, trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm 45 - 52%. Như vậy, nếu nói nguồn lao động của chúng ta đang có hình chóp ngược là sai, nói “thừa thầy, thiếu thợ” cũng chẳng đúng khi trình độ đại học mới chỉ chiếm 8%, trong khi Đảng ta khẳng định mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản là một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, vẫn phải mở rộng quy mô đào tạo, nhưng phải đào tạo có chất lượng”.

 

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, cách đào tạo đại học hiện nay theo mô hình hy sinh chất lượng để lấy số lượng khiến nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Đây sẽ là trở ngại lớn trong việc mở rộng quy mô đào tạo. Để khắc phục tình trạng học cao nhưng tỷ lệ thất nghiệp khá lớn như hiện nay, cần giải quyết hài hòa vấn đề tài chính trong giáo dục cũng như vấn đề quản trị. Trong môi trường giáo dục ấy, những người thầy phải thực sự có năng lực, trình độ tốt, phải lăn vào thực tế, có đam mê, nghiên cứu, trải nghiệm. Đồng thời, phải khích lệ được tính tự giác, năng động, ham học của sinh viên.

 

Về phương diện chất lượng đào tạo, chúng ta không nên chỉ nhìn vào thị trường lao động trong nước, mà cần nhìn ra thị trường khu vực và thế giới. Muốn vậy, chương trình đào tạo cần tinh giản, đào tạo theo các chuẩn mực của khu vực và thế giới, đặc biệt phải trang bị vốn ngoại ngữ tốt, các kỹ năng chuyên môn cho sinh viên. Nhà trường phải đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong trang bị, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, các trường cao đẳng, đại học cần sớm có chương trình khởi tạo doanh nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh với hy vọng sau khi tốt nghiệp, người học có thể tự tạo việc làm cho mình và cho người khác với sự hỗ trợ vốn khởi nghiệp (nếu cần) từ Nhà nước hoặc từ quỹ nào đó./.

 

 3 bài học từ Singapore


Theo PGS. TS. Vũ Minh Khương, có ba nội dung Việt Nam nên học ngay từ kinh nghiệm của Singapore.


Thứ nhất, báo cáo khảo sát thị trường lao động cần thiết thực và kịp thời. Mỗi quý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thể khảo sát khoảng 16.000 hộ gia đình, qua đó cung cấp cho Chính phủ nhiều thông tin giá trị trong hoạch định chính sách. Báo cáo nên thống kê số lượng và loại hình việc làm tìm người, đặc biệt ở nhóm bằng cấp. Điều này giúp các cơ sở và người lao động định hướng tốt hơn cho việc đầu tư nâng cao trình độ và kỹ năng của mình.


Thứ hai, các trường đại học cần công khai tỷ lệ học sinh tốt nghiệp từng ngành tìm được việc làm trong vòng 6 tháng và 1 năm. Đó sẽ là nguồn thông tin quan trọng để sinh viên lựa chọn theo học ngành nào.


Thứ ba, Chính phủ nên lập quỹ nâng cao kỹ năng nghiệp vụ nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như người lao động chủ động học hỏi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ tay nghề để không ngừng thích nghi với đổi thay có tính cơ cấu của nền kinh tế. Việc hỗ trợ kịp thời người thất nghiệp để họ nhanh chóng tìm được và thích nghi với công việc mới là động lực quan trọng giúp nền kinh tế và xã hội có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.


Làm được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ thu hẹp tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp so với tổng số lao động thất nghiệp.

 

Đại biểu nhân dân