Chính sách cởi mở
Theo PGS. TS. Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, người từng được giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng Việt Nam 2005 - 2020: Từ Luật Di sản văn hóa 2001, Việt Nam chấp nhận loại hình mới là bảo tàng ngoài công lập, đã tạo ra hành lang pháp lý để bảo tàng tư nhân ra đời. Tạo lập khung pháp lý năng động cho việc phát triển bảo tàng ngoài công lập cũng là một trong những mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng Việt Nam, bên cạnh chỉnh lý, nâng cấp những bảo tàng đã có để đáp ứng nhu cầu xã hội đặt ra, theo hướng bảo tàng không chỉ là kho lưu giữ hiện vật, mà phải hướng đến cộng đồng, phục vụ những gì mà cộng đồng yêu cầu.
Có thể thấy, với chính sách cởi mở như vậy, số lượng bảo tàng ngoài công lập đã tăng nhanh những năm gần đây. Mạng lưới bảo tàng Việt Nam hiện có gần 150 bảo tàng, trong đó đã có 25 bảo tàng ngoài công lập. Bảo tàng tư nhân tự xây dựng, tự trang trải kinh phí hoạt động, dựa trên sáng kiến của cá nhân, sự say mê sưu tầm cổ vật, yêu cổ vật, hồi ức về chiến trường xưa, về đồng đội… Cổ vật được nhân dân lưu giữ khá nhiều, trước kia chỉ có nhóm nhỏ xem, và thường phải giấu giếm. Bảo tàng ngoài công lập ra đời đã giúp cộng đồng được tiếp cận với di sản. Việt Nam từng có thời kỳ chảy máu cổ vật, nhưng khi bảo tàng cổ vật ra đời đã giúp nhiều người thay đổi hành vi, lưu giữ cổ vật để trưng bày thay vì bán như trước, thậm chí có điều kiện họ còn đưa cổ vật hồi hương. Một số bảo tàng tư nhân có sưu tập mà bảo tàng công lập phải mơ ước.
Bảo tàng không gian văn hóa Mường - Nguồn: muong.vn
Tác động xã hội lớn
Ngoài cổ vật, bảo tàng tư nhân có hình thức sưu tập phong phú, đa dạng, đi vào những vấn đề đời sống thường nhật nhưng lại có sức hấp dẫn và tác động xã hội lớn. Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Hà Nội) do ông Lâm Văn Bằng và đồng đội dành gần 20 năm thành lập, hiện được coi là bảo tàng phong phú nhất lưu giữ hiện vật gắn liền với cựu tù Phú Quốc qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hằng năm, đồng đội tụ họp về đây chia sẻ, giao lưu, tìm cách giúp đỡ nhau và người thân của họ… nhằm làm giảm bớt nỗi đau chiến tranh. Ngoài ra, còn có Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng (TP Hồ Chí Minh), Bảo tàng Vũ khí cổ (Vũng Tàu) của chủ nhân người Anh Roberrt Taylor, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu…
Bảo tàng ngoài công lập còn gắn với việc con cháu làm nhà lưu niệm cho cha ông của mình, như Bảo tàng của họa sĩ Sỹ Tốt do vợ con ông xây dựng, phục vụ khách du lịch đến thăm Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Nằm trong không gian làng quê sản sinh ra nhiều họa sĩ, bảo tàng góp phần giáo dục mỹ thuật, nâng cao dân trí ở một làng quê ViệtNam. Hay Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức, Hà Nội), trưng bày giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục của GS. Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1975)…
Phát triển bảo tàng ngoài công lập phát huy được sáng kiến của cộng đồng, khuyến khích và nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản. Đến nay, dù các bảo tàng ngoài công lập chưa phải là một thiết chế hiện đại, thiếu hụt đội ngũ cán bộ có chuyên môn, chưa liên kết với lữ hành để quảng bá thu hút khách du lịch… nhưng đã bước đầu đặt nền tảng để tương lai loại hình bảo tàng này phát triển và chiếm vị trí chủ đạo tại Việt Nam. “Qua nghiên cứu, đa số bảo tàng trên thế giới là bảo tàng tư nhân. Xu thế ấy là đúng và ViệtNamcũng phải vậy nếu muốn hội nhập với thế giới” - PGS. TS. Đặng Văn Bài nói. Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách thích hợp, hỗ trợ họ về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật, đất đai, trong tương lai, bảo tàng ngoài công lập cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn, cùng với bảo tàng công lập góp phần quan trọng trong việc chuyển giao cho thế hệ sau những bộ sưu tập quý giá không chỉ của Việt Nam mà cả nhân loại.
Phát triển bảo tàng ngoài công lập
Sáng 17.11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra tọa đàm Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức. Tọa đàm chỉ ra xu hướng phát triển của hệ thống bảo tàng trên thế giới, làm rõ chủ trương, chính sách về thành lập bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam. Đồng thời, giúp nhận diện một cách khách quan, tổng thể quá trình phát triển, đóng góp cũng như hạn chế của hệ thống bảo tàng ngoài công lập.
Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS. TS. Phạm Mai Hùng nhận định: “Lịch sử sự nghiệp bảo tàng của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy các bảo tàng tư nhân ra đời rất sớm, không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự ra đời của các bảo tàng ngoài công lập ở nước ta chậm hơn 300 năm, chưa đầy 10 năm, nhưng đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng cần có sự quan tâm của các tổ chức, bộ, ban, ngành liên quan để tạo sức mạnh, khuyến khích sự phát triển của các bảo tàng này”.
Đại biểu nhân dân