258
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 25/05/2016 08:43
Con đường của hòa bình
“Bí ẩn sâu sắc nhất đối với một dân tộc không gì ngoài văn hóa. Chính vì văn hóa mà hôm nay ta có một gương mặt hoàn toàn khác gương mặt trong năm tháng chiến tranh. Không có ăn, chúng ta không thể bước đi, nhưng không có chữ, không có văn hóa, chúng ta không bao giờ tìm thấy đường. Giờ đây, Việt Nam và Mỹ, mỗi dân tộc đã tìm thấy con đường riêng và hai dân tộc đã tìm thấy con đường chung, đó là điều tuyệt vời nhất” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.
Khám phá múa rối nước Việt Nam

Mở cánh cửa hợp tác


“Tôi muốn thông qua sách để thể hiện ý đồ của mình. Với Tradition and Change (Truyền thống và Đổi thay) và Hồ sơ văn hóa Mỹ, tôi mong rằng hai nền văn hóa Việt - Mỹ sẽ hiểu nhau hơn, từ đó góp phần xây dựng nền hòa bình bằng văn hóa, vì văn hóa là nòng cốt cho phát triển” - Nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ tại cuộc “Gặp gỡ Nhịp cầu Văn hóa Hữu nghị Việt - Mỹ” vừa qua. Cuốn sách Tradition and Change do NXB Thế giới phối hợp với Ohio University Press thực hiện đã ra mắt, cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ được tái bản lần thứ 3. Học giả Mỹ Lady Borton nhận định: Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã giúp thâu tóm toàn bộ nền văn hóa vào một viên ngọc sáng ngời mà chúng ta có thể trân quý mãi mãi, đây là một món quà hoàn hảo từ Việt Nam.

 

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, văn hóa chính là chìa khóa để mở cánh cửa hợp tác giữa các quốc gia, còn sách trong đó có văn học lại là chìa khóa để mở cánh cửa văn hóa. “Kể từ sau năm 1975, trong lúc các nhà ngoại giao giữa Mỹ và ViệtNamkhông thể đến với nhau hoặc nói chuyện với nhau rất khó khăn thì nhà văn đã tìm và mang theo một thứ rất quan trọng là ngôn ngữ của văn hóa. Họ chính là một trong những người đầu tiên xây dựng nhịp cầu văn hóa Việt - Mỹ”. Đó là các nhà văn thuộc trung tâm William Joiner như nhà văn Wayne Karlin, nhà thơ Kevin Bowen, dịch giả Rosemary Nguyen... và nhóm tác giả ViệtNamgồm có Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều… Kể từ đây, việc hợp tác xuất bản sách được thúc đẩy mạnh mẽ, hàng loạt ấn phẩm văn học đã được trao đổi giữa hai nước.

 

Giám đốc NXB Thế giới Trần Đoàn Lâm nhận định, sách không chỉ là cầu nối mà còn là công cụ thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ: “Năm 2000, khi Tổng thống Bill Cliton chuẩn bị sang thăm Việt Nam, NXB Thế giới đã ấn hành cuốn sách Bách khoa toàn thư về văn hóa Mỹ, cùng thời gian đó, nhà nghiên cứu văn hóa Mỹ Lady Borton cũng hoàn thành cuốn Hồ Chí Minh một hành trình. Trước đó, sách của E. Hemingway, Mark Twain, Jack London… được tái bản hàng loạt. Mỗi bước đi của hai dân tộc, sách dường như đã kéo gần văn hóa hai quốc gia”.

 

 

Nối nhịp cầu văn hóa


“Thời gian làm đại sứ, tôi nhớ lần đầu xem biểu diễn múa rối nước tại Mỹ. Những con rối mang từ Việt Nam, được trình diễn bởi các nghệ nhân Việt Nam đã khiến không chỉ người Việt Nam trên đất Mỹ mà cả người Mỹ xúc động. Đó chính là sức mạnh của công cụ văn hóa, của giao lưu văn hóa”, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến chia sẻ. Khi đó, sau quyết định thông báo bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, vào tháng 9.1995, Đoàn múa rối Thăng Long sang trình diễn tại thành phố San Francisco, Mỹ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên nghệ thuật múa rối nước dân tộc hiện diện và trở thành cầu nối giúp khán giả Mỹ hiểu được văn hóa cổ truyền Việt Nam.

 

Suốt 3 năm sau, hàng loạt buổi diễn tiếp tục được tổ chức tại nhiều bang của Mỹ. Ngoài ra, dự án trao đổi sân khấu Việt Nam - Mỹ đã đưa vở kịch của Việt Nam đầu tiên là vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt lưu diễn ở Mỹ năm 1998. Sau đó, nhóm nghệ sĩ Mỹ phối hợp với nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam xây dựng thêm 2 tác phẩm Giấc mộng đêm hè của W. Shakespeare và vở Những con rối thủy tinh để lưu diễn tại Mỹ. Đây được coi là những chương trình giao lưu sân khấu chính thức đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ. 23 năm trôi qua, quá trình trao đổi nghệ thuật sân khấu đã tạo ra sự phát triển vượt bậc với những dự án hợp tác cùng dàn dựng tác phẩm, nâng cao kỹ năng của nghệ sĩ… Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận nhận định: “Tôi nhận thấy rằng sân khấu chính là một cầu nối văn hóa giữa Mỹ và ViệtNam, thể hiện qua sự thành công của các dự án hợp tác. Chúng ta thấy văn hóa của Mỹ thông qua các tác phẩm sân khấu đã đi vào lòng người, chinh phục được khán giả ViệtNam. Đó thực sự là con đường đi từ trái tim đến trái tim”.

 

 “Xuyên suốt hành trình, có thể thấy văn hóa có tính chất mở đường, làm cơ sở thúc đẩy cho những tiếp xúc chính thức và toàn diện. Văn hóa là cội nguồn của hạnh phúc và sự hòa đồng, thiếu hiểu biết về văn hóa sẽ không thể cùng nhau đi xa hơn trong quan hệ. Do đó, nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ trong giai đoạn mới cần thực hiện nhiều hoạt động cụ thể hơn nữa để góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển, trở thành bạn bè và đối tác tốt của nhau”, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến nói.

 

Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến:


Quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào giai đoạn hợp tác toàn diện. Riêng hợp tác về văn hóa là lĩnh vực lâu đời nhất, phải nỗ lực nhiều nhất và huy động sức mạnh toàn dân. Tôi cho rằng sắp tới phải thúc đẩy giao lưu nhiều hơn, với việc tổ chức các đoàn văn công biểu diễn giao lưu với Mỹ, triển lãm tác phẩm nghệ thuật, hỗ trợ dịch thuật, ấn hành các tác phẩm sách văn hóa, văn học…

 

Đại biểu nhân dân