187
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 04/10/2017 09:16
Còn đó nét xưa
Có người nhận xét, Tết Trung thu nay y như lễ hội hóa trang của nước ngoài. Chỉ nhìn vào thị trường đồ chơi cho thiếu nhi, cũng đủ thấy bao đặc sắc dân gian đang dần bị lấn át. Thế nhưng, ngay tại Hà Nội, vẫn còn những nghệ nhân, các bạn trẻ nỗ lực gìn giữ nét truyền thống của Tết Trung thu cổ truyền.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến hướng dẫn cách làm đèn ông saoẢnh: Minh Quang

Đặc sắc Trung thu xưa


Trong không khí rộn ràng của mùa Trung thu, những con phố Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược… lại tấp nập sạp hàng bày bán đồ chơi trẻ em. Thấp thoáng góc nhỏ của một số cửa hàng, ta bắt gặp món đồ chơi truyền thống miền Bắc như ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi, trống, đầu lân… Đáng buồn là những món đồ đó không nhiều, được trưng bày như một sự tô điểm thêm nét phong phú của gian hàng, may ra phục vụ được một vài vị khách còn vấn vương, hồi tưởng về Trung thu xưa. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những người cặm cụi ngày đêm làm ra món đồ chơi thủ công độc đáo, với mong muốn vào dịp Trung thu, tinh hoa của ông cha được trao truyền.

 

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (54 tuổi), xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, qua những món đồ chơi, các bạn nhỏ sẽ hiểu biết thêm về phong tục của người Việt. Trước đây, vào dịp Trung thu, cha mẹ thường mua ông tiến sĩ giấy để bày lên mâm ngũ quả, cùng hai ông đánh gậy (biểu trưng quan quân theo hầu) bày hai bên, ngoài ra còn có các loại đèn lồng hình ông sao, con thỏ, con cá… để các bạn nhỏ đi rước quanh làng, quanh phố. Đến đêm, khi con trẻ phá cỗ vui trung thu, ông tiến sĩ giấy lại được trịnh trọng đặt lên bàn học của mỗi em, mang theo lời nhắn nhủ chăm chỉ học hành, đỗ ông nghè, ông cống… Hai ông đánh gậy được treo ngay cửa sổ, mỗi lần gió thổi lại tạo nên những chuyển động múa gậy vui mắt. “Hình tượng ông đánh gậy còn kể cho các bạn nhỏ biết về lịch sử dân tộc. Các ông chỉ có gậy gộc thô sơ mà có thể đánh thắng giặc thù, bảo vệ quê hương đất nước. Những món đồ chơi đều mang ý nghĩa khác nhau như thế”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến nói.

 

Trước đây, mỗi mùa Trung thu, các nghệ nhân vô cùng bận rộn với số lượng hàng lớn. Sát ngày rằm tháng Tám, có khi phải làm ngày, làm đêm mới đủ bán. Bấy giờ, nghệ nhân cũng y như trẻ nhỏ, xôn xao và háo hức. Nhưng đấy là “thời kỳ vàng son” của đồ chơi truyền thống, khi đồ chơi ngoại nhập chưa ồ ạt kéo vào như bây giờ. Suốt thời gian dài, đồ chơi Trung thu truyền thống bị sao nhãng, khiến thợ thủ công rất khó để theo nghề. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho biết, do số lượng hàng ngày càng ít nên mọi người bỏ dần. Ai còn giữ nghề thì đầy trăn trở.

 

Trân trọng, gìn giữ


Đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam như ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao, tàu thủy sắt, đèn các con thú… bao đời nay không hề thay đổi nên thực sự khó cạnh tranh với những đồ chơi hiện đại, nhập khẩu. Nhận thức cái “khó” của nghề, các nghệ nhân, người yêu văn hóa truyền thống càng tích cực tìm cách gìn giữ. Mới đây, nhóm MyHaNoi tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu nét đẹp của những món đồ chơi truyền thống mùa Trung thu đến với thế hệ hiện nay. Đại diện MyHaNoi - Nguyễn Thúy Hằng chia sẻ, qua tìm hiểu được biết Trung thu xưa rất đầm ấm với những buổi phá cỗ vui vẻ, với đèn ông sao và mâm ngũ quả, với tiết mục múa lân hay rước đèn theo trống dưới ánh trăng… Những hình ảnh ấy, các em nhỏ ngày nay không còn thấy được nhiều. “Chính vì vậy, MyHaNoi muốn gửi đến các em những hình ảnh đẹp nhất của Trung thu xưa và mong muốn các em sau khi tìm hiểu sẽ yêu thích nét đẹp cổ truyền. Đồng thời, qua trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu truyền thống, các em sẽ nâng cao ý thức gìn giữ”, Nguyễn Thúy Hằng nói.

 

Bản thân các nghệ nhân bên cạnh nỗ lực bám trụ với nghề, cũng rất tích cực truyền bá, đưa giá trị độc đáo của đồ chơi truyền thống đến đông đảo mọi người. Năm 2002, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đến trình diễn, dạy cách làm đồ chơi thủ công. Bà Tuyến cũng từng mang sản phẩm thủ công đến trường học, hướng dẫn học sinh cách làm đồ chơi dân gian. Hay một số không gian văn hóa ở Hà Nội cũng mời các nghệ nhân tham gia giới thiệu sản phẩm cũng như trình diễn nghề…

 

“Ở quê tôi, đồ chơi dân gian vẫn được mọi người nhớ. Nhiều cụ già, phụ huynh ở làng bên vẫn tìm đến mua. Nhờ đó, chúng tôi tìm được động lực giữ nghề của tổ tiên. Mong rằng Nhà nước sẽ có dự án, phương pháp để bảo tồn nghề truyền thống, để đồ chơi dân gian được lưu truyền cho thế hệ mai sau như một nét văn hóa của dân tộc”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến nói.

 

Đại biểu nhân dân