Chưa coi trọng đúng mức
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu ba phẩm chất cần thiết đối với người học, bao gồm: sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm. Các chuyên gia đánh giá đây là điểm sáng trong Dự thảo, đề cao việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho học sinh thay vì chỉ chuyên sâu đào tạo kiến thức. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Văn Như Cương, trung thực là phẩm chất cần đặt lên hàng đầu nhưng lại chưa được nhắc đến: “Xã hội hiện nay đang tràn lan sự giả dối, kể cả trong chính ngành giáo dục, vậy tại sao học sinh lại không được giáo dục tính trung thực ngay từ đầu? Tôi nghĩ trung thực là yếu tố đặc biệt quan trọng nhưng chưa được coi trọng đúng mức. Chúng ta nói giáo dục lòng yêu thương, tự chủ, trách nhiệm mà không trung thực thì nếu các em yêu thương giả dối, tự chủ giả vờ và trách nhiệm quấy quá thì sao? Cho nên, có trung thực mới bảo đảm các phẩm chất khác và tôi đề nghị Chương trình giáo dục phổ thông mới cần bổ sung giáo dục lối sống trung thực”.
Muốn học sinh có phẩm chất trung thực, cần tạo dựng cho các em môi trường sống, học tập không giả dối, trong đó nhà trường và gia đình có vai trò rất lớn. TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, hiện nay cả gia đình và nhà trường đều chưa thực hiện tốt vai trò này: “Không trung thực là một thực tế mà chúng ta đều biết nhưng chưa có biện pháp giáo dục để thay đổi nó. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn. Một mặt, nếu dối trá không trở thành bản chất thì cũng sẽ gây cho các em cách nhìn tiêu cực về cuộc sống. Mặt khác, khi sự không trung thực bị biến thành thói quen, thành bản chất thì sẽ là khởi đầu của những câu chuyện tham nhũng, hối lộ, dối trá, lừa đảo… Đó là một thực tế mà chúng ta phải mạnh dạn nêu ra và mạnh dạn thay đổi”.
Nhà trường có đủ điều kiện
Giáo dục phẩm chất trung thực cho học sinh cần sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội, nhưng trường học là nơi có điều kiện tốt nhất để giáo dục phẩm chất trung thực cho các em. Nếu nhà trường xây dựng một môi trường trung thực, đề ra được kỷ cương nghiêm minh thì các em sẽ cảm thấy bị lạc lõng khi mình nói dối mà các bạn trung thực, mình quay cóp nhưng các bạn không quay cóp… từ đó được tạo thành thói quen và ở môi trường khác, các em cũng sẽ trung thực.
PGS.TS. Văn Như Cương đưa ra ví dụ, trước đây thầy cô có thể giao bài kiểm tra cho lớp làm mà không phải “trông” nhưng bây giờ không thầy cô nào dám làm như vậy. “Điều đó cho thấy, nhà trường hoàn toàn đủ điều kiện để giáo dục học sinh phẩm chất trung thực và đã từng làm rất tốt việc đó, nhưng lâu nay chúng ta đã bỏ quên, dẫn tới nhượng bộ cho các hành vi gian lận, không trung thực. Hiện nay, chúng ta phải nhìn nhận đúng vai trò của giáo dục phẩm chất trung thực cho học sinh, đồng thời thay đổi tư duy, nhận thức về nền giáo dục”.
Thay đổi phương pháp giáo dục
Từ năm học 2006 - 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc vận động Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, kết quả là kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm đó chỉ có 68% học sinh tốt nghiệp, con số thấp kỷ lục này đã chứng minh sự gian lận trong các kỳ thi trước. Theo TS. Khuất Thu Hồng, đó là tiếng chuông đánh vào suy nghĩ, nhận thức và buộc chúng ta đề ra biện pháp tối ưu giải quyết vấn đề nhức nhối này: “Nếu chúng ta chỉ thay đổi cách nghĩ mà không thay đổi cả nền giáo dục đi từ triết lý, phương pháp giáo dục, thì tất nhiên sẽ thất bại trong việc chống lại tệ trạng gian lận. Phải từ căn nguyên của vấn đề: nếu chương trình giáo dục vẫn buộc học sinh học thuộc lòng, học nhiều đến quá tải thì sẽ còn hành vi quay cóp, không trung thực; nếu chất lượng đào tạo, giáo dục học sinh chỉ đặt nặng vào điểm số thì vẫn sẽ còn tình trạng gian lận, thành tích…”.
PGS.TS. Văn Như Cương cho rằng, Chương trình Giáo dục phổ thông mới không cần thiết dành riêng một môn để giáo dục phẩm chất trung thực nhưng phải chú ý giáo dục phẩm chất này thông qua các biện pháp như: thầy cô lồng ghép bài học về tính trung thực trong quá trình giảng dạy các môn trên lớp, thúc đẩy hoạt động chi đội, chi đoàn để tự các em theo dõi, phát hiện, phê phán những hành vi không trung thực, đồng thời kết hợp biện pháp giáo dục với hình thức kỷ luật đủ tính răn đe. “Giải pháp lâu dài, bên cạnh đổi mới phương pháp giáo dục, chúng ta cũng cần đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với mọi hành vi gian lận trong giáo dục” - PGS.TS. Văn Như Cương đề xuất.
Người đại biểu nhân dân