Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tính đến tháng 5, lượng khách du lịch đến nước ta đã giảm 12 tháng liên tiếp; tốc độ tăng trưởng ngành du lịch cũng giảm dần từ năm 2010 với 34,8% xuống 4% năm 2014, thậm chí 4 tháng đầu năm 2015 còn tăng trưởng âm là -12,8%. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó một phần do chất lượng nguồn nhân lực không bảo đảm, mà sâu xa chính là câu chuyện muôn thuở về đào tạo kỹ năng nghề du lịch.
|
Giám đốc điều hành Công ty lữ hành Luxury Travel Phạm Hà nhận xét: đào tạo kỹ năng nghề du lịch chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngành du lịch nói chung và khách du lịch nói riêng. Lao động sau khi được đào tạo nếu có ngoại ngữ thì thiếu kiến thức và kỹ năng nghề; ngược lại, nếu nắm được kiến thức và kỹ năng nghề thì không thành thạo ngoại ngữ. Rất nhiều lao động sau khi được đào tạo không có việc làm nhưng các công ty lữ hành vẫn luôn trong tình trạng thiếu lao động có kỹ năng nghề. Vì vậy, các công ty lữ hành gần như đang phải đào tạo lại nguồn nhân lực. Thường các công ty này chọn lao động theo sự phân bổ hợp lý giữa các khu vực, sau đó tiến hành tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn và thực hành từ kiến thức, kỹ năng nghề đến rèn luyện thái độ, cách cư xử với khách du lịch. Với nhân lực phổ thông đã như vậy, rất khó để tìm kiếm nhân lực cấp cao ở trong nước phục vụ cho ngành du lịch, gần như các vị trí mang tính chất chủ chốt đều có sự hiện diện của nhân lực nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch (VTOS) quy định thực hiện công việc phải đạt và những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc một cách hiệu quả sau khi được đào tạo kỹ năng nghề du lịch. Theo phiên bản mới nhất, VTOS gồm 10 bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên 10 lĩnh vực chính của nghề du lịch là lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch và đại lý lữ hành, hướng dẫn du lịch, thuyết minh du lịch, phục vụ trên tàu thủy du lịch, quản lý khách sạn, vận hành cơ sở lưu trú nhỏ. Mỗi tiêu chuẩn VTOS được chia thành các bậc nghề với tối đa 5 bậc tương ứng với 241 đơn vị năng lực. Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, VTOS vẫn còn một số hạn chế, đơn cử như rất khó áp dụng và phân cấp cơ sở lưu trú theo hệ thống này nếu căn cứ vào cơ sở vật chất, số lượng lao động không phù hợp.
Song điều khiến cho hệ thống VTOS chưa thực sự phát huy hiệu quả trong đào tạo kỹ năng nghề du lịch là chưa tạo được sự đồng bộ hóa với Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP). MRA-TP là khuôn khổ để so sánh khung trình độ nghề du lịch ASEAN với khung trình độ của các quốc gia trong khu vực, từ đó đánh giá và công nhận năng lực, trình độ của lao động nghề du lịch theo chuẩn mực chung. Việc triển khai MRA-TP tại ViệtNamsẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động và cả nước. Người lao động có thêm điều kiện để phát huy năng lực; đồng thời có cơ hội làm việc tại nhiều nước trong khu vực. Doanh nghiệp không chỉ có được bộ tiêu chuẩn áp dụng cho đào tạo tại chỗ, mà năng lực cạnh tranh cũng sẽ được nâng lên bởi chất lượng nhân lực và dịch vụ bảo đảm đạt chuẩn khu vực. Mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và cân bằng cung - cầu lao động trong ngành du lịch của cả nước. Nhưng hiện nay, trong lĩnh vực du lịch nước ta mới có VTOS, chưa có khung trình độ quốc gia, nên chưa thể áp dụng MRA-TP cũng như chưa thể thực hiện công nhận trình độ kỹ năng nghề trong toàn khu vực ASEAN đối với lao động Việt Nam trong ngành du lịch.
Hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, để đào tạo lao động có kỹ năng nghề thành thạo, đồng thời có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Trần Phú Cường khuyến nghị: Việt Nam cần nhanh chóng đồng bộ hóa VTOS với MRA-TP thông qua hình thành khung trình độ quốc gia trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, để tăng cường năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường nghề du lịch ngày càng chuyển dịch tự do, chuyên gia phát triển nguồn nhân lực của Dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) Kai Partale hy vọng: Việt Nam sẽ sớm hình thành hệ thống chứng chỉ nghiệp vụ du lịch toàn diện, các chứng chỉ và chứng nhận này được chấp nhận và có thể sử dụng để đăng ký trên Hệ thống đăng ký lao động du lịch ASEAN; đồng thời xây dựng Hội đồng nghề Du lịch quốc gia nhằm bảo đảm hoạt động giám sát chất lượng và tính toàn vẹn của hệ thống văn bằng chứng chỉ du lịch quốc gia.
Người đại biểu nhân dân