Hiện vật bằng gỗ được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ năm 2012 - 2014, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành tại khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18). Ngay sau đó, “ấn gỗ” được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm bởi tính chất độc đáo của hiện vật. Theo PGS. TS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học: Hiện vật được phát hiện ở độ sâu 1,2m, gồm hai mảnh, kích thước 10,5cm, nằm nguyên vẹn trong tầng văn hóa thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), sau tầng văn hóa thời Lý, trước thời Lê Sơ và nằm giữa nhiều di vật thời Trần tiêu biểu khác. Tầng văn hóa này không hề bị xáo trộn. Trên hiện vật có khắc bốn chữ Sắc mệnh chi bảo theo kiểu ấn tín ViệtNam. Vị trí tìm thấy ấn nằm ở trục trung tâm của di sản Hoàng thành Thăng Long, càng góp phần củng cố niềm tin rằng đây là ấn của triều đình.
Căn cứ vào những tư liệu lịch sử, đặc điểm về hình thái chữ viết trên hiện vật, PGS. TS. Hoàng Văn Khoán và GS. Lê Văn Lan nhận định, hiện vật này có thể là ấn gỗ được nhắc tới trong Đại Việt sử ký toàn thư, được tạo tác trong tình thế cấp bách khi quân dân nhà Trần đánh quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (năm 1257). Tuy nhiên, cũng có nhiều nghi ngờ với ý kiến trên, thậm chí có nhận định đây là “phiên bản vụng về của con dấu thời Lê Trung Hưng”. GS. Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm cho rằng: “Ở đây chúng ta có thể gọi là ấn Sắc mệnh chi bảo được không hay phải định danh cho chuẩn xác. Vì theo nguyên tắc xét về hình thể, một quả ấn có kết cấu gồm hai bộ phận: núm ấn (thân ấn) và đế ấn (mặt dấu). Hiện vật này chỉ có đế, không thấy núm, có thể gọi là đế ấnSắc mệnh chi bảo được không? Từ định danh chúng ta sẽ tìm hiểu ra chức năng và giá trị sử dụng của hiện vật”.
Theo GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trước hết, có thể khẳng định đây là vật thật, được tìm trong tầng văn hóa thời Trần, và có khả năng có niên đại thời Trần, loại bỏ ý kiến ngụy tạo rằng đây là vật được khắc lại sau này và rằng gỗ mục không còn giữ lại được đến giờ, vì đã từng phát hiện nhiều hiện vật gỗ từ thời Lý. Tuy nhiên, phải kết hợp giữa tư liệu khảo cổ học, tư liệu lịch sử và sử dụng các phương pháp khoa học để tiếp tục nghiên cứu hiện vật này.
Tránh nhân bản lễ hội khai ấn
Việc nghiên cứu lai lịch, niên đại hiện vật được gọi là “ấn Sắc mệnh chi bảo” thuộc lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, khi chưa xác định chắc chắn, việc phát huy giá trị của hiện vật đã vội vàng được đưa ra thảo luận. Nhìn chung có hai xu hướng, thứ nhất là tổ chức hội khai ấn, thứ hai là coi đây như một hiện vật khảo cổ quý cần trưng bày, giới thiệu tới công chúng. Nhưng trước đó, ngày 16.2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên thể nghiệm hiện vật này với việc tổ chức lễ khai ấn linh đình tại khu vực Điện Kính Thiên. Điều này dấy lên lo ngại sẽ phát sinh một “lễ hội khai ấn” tại Hoàng thành Thăng Long.
Nhiều ý kiến băn khoăn, ngay cả khi đã chứng minh hiện vật là “ấn Sắc mệnh chi bảo” của triều Trần thì việc tổ chức hội khai ấn có phát huy đúng giá trị của hiện vật không? GS. Phan Huy Lê “không tán thành việc khai ấn giống như khai ấn ở đền Trần”, với những hỗn độn, chen lấn xô đẩy, tranh giành, thậm chí cướp giật. Đó là chưa nói tới không ít người đang hiểu sai về ý nghĩa nghi thức khai ấn ở các đền hiện nay. Việc khai ấn “Trần triều tự điện” vốn chỉ là công việc của các đền thờ nhà Trần, nay lại coi những mảnh giấy được đóng ấn là vật thiêng, có tác dụng mang tới tiền tài, lợi lộc, thăng quan tiến chức cho người sở hữu. Còn với hiện vật được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long, giả dụ có là “ấn Sắc mệnh chi bảo” của vương triều Trần, theo các nhà khoa học, nó nằm trong hệ thống quốc ấn dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn. Triều đình xưa cũng có nghi thức thường vào ngày 23 tháng Chạp, nhà vua mang rửa chiếc ấn suốt năm đã dùng, cho vào hộp cất đi. Tới Rằm tháng Giêng là ngày làm việc chính thức thì khai ấn. Đó là tín hiệu phát đi của bộ máy hành chính thời phong kiến về thời gian nghỉ Tết và làm việc trở lại, hoàn toàn khác với chuyện xin ấn, khai ấn trong lễ hội tại Nam Định hiện nay.
“Đặt vào trường hợp hiện vật tại Hoàng thành Thăng Long, nếu đúng đây là ấn thời Trần, cũng không nên dùng ấn này để làm lễ khai ấn, như vậy, việc mở hội khai ấn có khả năng nhân bản. Phát huy giá trị của hiện vật là trả về đúng chỗ của nó, phải khai thác ở khía cạnh như dùng các thủ pháp, kỹ thuật hiện đại để tôn vinh nó, giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước” - GS. Lê Văn Lan nói.
Phát huy giá trị hiện vật khảo cổ là việc cần thiết, nhưng làm như thế nào phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đó cũng là cách tốt nhất quảng bá, phát huy giá trị hiện vật và Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Đại biểu nhân dân