243
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 15/07/2016 09:25
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa Bài cuối: Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là phải bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của đất nước, đồng thời cố gắng kiểm soát tốt tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, theo phương châm 6 chữ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc

>> Bài 3: Lập trường pháp lý


>> Bài 2: Luôn là một phần của Việt Nam!


>> Bài 1: Chiếm hữu và thực thi chủ quyền


Quán triệt chủ trương nói trên, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục các hoạt động duy trì chủ quyền trên danh nghĩa đối với quần đảo Hoàng Sa, dù phần máu thịt ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974 (nghĩa là vẫn luôn luôn đấu tranh trên phương diện pháp lý, ngoại giao để giữ vững chủ quyền và không chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp bằng vũ lực của Trung Quốc). Còn đối với quần đảo Trường Sa, mặc dù một số thực thể của quần đảo này đang chịu sự chiếm đóng, kiểm soát của Trung Quốc (7 thực thể), Đài Loan (2 thực thể), Philippines (10 thực thể), Malaysia (7 thực thể), nhưng Việt Nam tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình trên thực tế và cả trên danh nghĩa phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, cũng như theo đúng các thỏa thuận đã đạt được với các bên liên quan. Các hành xử khẳng định và thực thi chủ quyền ấy bao gồm đủ cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần, là hai yếu tố cần và đủ trong Công pháp quốc tế.

 

Đàm phán - một biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp


Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước: “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.


Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

 

Đây là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Về nguyên tắc, ViệtNamcũng sẽ vận dụng giải pháp này như đã từng đề cập đến trong các nội dung tuyên bố chính thức của mình. Tuy nhiên, đúng như một số chuyên gia cho rằng, vấn đề không dễ dàng như nhiều người tưởng. Bởi vì không phải bất kỳ vụ việc nào cũng có thể đơn phương đệ đơn kiện và đều thuộc thẩm quyền của các Cơ quan tài phán quốc tế. Chúng ta không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa  Quốc tế Luật Biển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp trong việc phân định vùng biển chồng lấn được; vì Tòa này đòi hỏi hai bên phải thỏa thuận cùng đưa vụ việc ra Tòa và cam kết thi hành án thì Tòa mới xét xử. Trung Quốc không bao giờ cam kết như vậy. Vì thế,Philippinesphải đưa ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Như vậy, Tòa Trọng tài mới có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và sẽ tiến hành xét xử. Tuy nhiên, vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn, vì khi Trung Quốc không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết.

 

Điều 39 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định: “Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.


Nhưng điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Từ năm 1945, năm thành lập Liên Hợp Quốc, đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89 lần, Anh 32 lần, Pháp 18 lần và Trung Quốc 9 lần. Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện.

 

Trái tim nóng, cái đầu lạnh


Trong tình hình đó, mọi phương án đấu tranh của chúng ta, vì thế, cần được cân nhắc tính toán rất kỹ càng, trên nền tảng của phương châm bên cạnh “trái tim nóng” cần có “cái đầu lạnh”! Muốn thực hiện được phương châm này, có lẽ cần tiếp tục thông tin, tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ và nhân dân, kể cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, củng cố sự đồng thuận, nhất trí cao về chủ trương biện pháp xử lý của Việt Nam. Kịp thời phê phán những hành động sai trái của Trung Quốc, nhưng không kích động hận thù dân tộc, coi trọng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân ViệtNamvà nhân dân Trung Quốc. Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền để dư luận quốc tế, kể cả dư luận nhân dân Trung Quốc, phê phán hành động sai trái của Trung Quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

 

Cần hiểu rõ công cuộc đấu tranh bằng biện pháp hòa bình là đề cao biện pháp chính trị ngoại giao kết hợp với đấu tranh trên thực địa, đấu tranh trên dư luận, không để xảy ra xung đột vũ trang. Đồng thời, chuẩn bị các biện pháp đấu tranh pháp lý, nhằm khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, đấu tranh với các luận điệu sai trái về Hoàng Sa, Trường Sa; Kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý và bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò; Kiên trì triển khai hoạt động kinh tế biển, bao gồm hoạt động dầu khí, nghề cá trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Để triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị ngoại giao, trên thực địa và dư luận đối với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong Biển Đông, Việt Nam không quên tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới, yêu cầu tôn trọng UNCLOS 1982 và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC); không có hành động làm phức tạp tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đấu tranh pháp lý là biện pháp đấu tranh hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép và ủng hộ, nên việc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý cần phải tính toán, chuẩn bị kỹ.

TS. Trần Công Trục
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

 

Đại biểu nhân dân