>> Bài 2: Luôn là một phần của Việt Nam!
>> Bài 1: Chiếm hữu và thực thi chủ quyền
Các loại tranh chấp trong Biển Đông
Nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, phía Đông Việt Nam, là một vùng biển nửa kín, rộng trên 3 triệu km2, với 300 triệu dân sinh sống xung quanh, Biển Đông có vị trí quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược… của khu vực và quốc tế. Chính từ vị trí chiến lược đó mà Biển Đông đã và đang tồn tại những tranh chấp liên quan đến những lĩnh vực khác nhau trong quan hệ xã hội của cộng đồng khu vực và quốc tế. Về quan hệ pháp lý có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, Biển Đông đang tồn tại 2 loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình đã tạo ra những vùng chồng lấn.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực chất đây là tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng một phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông vào những thời điểm khác nhau.
Đối với Hoàng Sa, thời điểm tranh chấp được tính từ sự kiện năm 1909, Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó đã vội vã rút lui.
Đối với Trường Sa, từ năm 1946, khi Trung Hoa Dân quốc lợi dụng việc ra Trường Sa giải giới quân Nhật theo lệnh của Đồng Minh, đã chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình và đầu tháng 3.1988, Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9 đến 12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pôngtông lớn để hỗ trợ nhằm chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Quyền thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam
Để khẳng định và bảo vệ cho yêu sách của mình, các bên đã dựa vào các nguyên tắc pháp lý như sau: Chiếm hữu thật sự; Chủ quyền lịch sử; và Kế cận địa lý. Căn cứ vào các nguyên tắc pháp lý nói trên, đối chiếu với quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do các bên tranh chấp nêu ra, chúng ta chắc chắn sẽ có được những nhận xét khách quan và khoa học về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với hai quần đảo này.
Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Những nội dung lịch sử, địa lý… mà phía Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền trên mọi phương tiện, mọi lúc, mọi nơi thực hư như thế nào? Giá trị của chúng đến đâu? Qua nghiên cứu thấy rằng, đúng là các đảo này đã được ghi nhận và mô tả trong đó, nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục… các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài, không có bất kỳ sự ghi chép nào về việc Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền và việc nhân dân Trung Quốc “đến hai quần đảo này hàng hải, sản xuất”. Các tác phẩm đó chỉ được xem như tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ý nghĩa đáng kể trong pháp lý, nhờ đó có thể đặt hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, GS. Monique Chemillier Gendreau đã khẳng định: “… người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này…”.
Từ nhận xét trên, cần lưu ý rằng khi đề cập đến lập trường pháp lý của Việt Nam liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta không nên sử dụng các các cụm từ: “Việt Nam có chủ quyền lịch sử”, “có danh nghĩa lịch sử”, “đã phát hiện, khai phá”, “đã khai chiếm” hay “Việt Nam có đầy đủ căn cứ lịch sử”… để chứng minh chủ quyền của mình. Chúng ta cũng không thể viện dẫn bất cứ tư liệu lịch sử, bản đồ địa lý nào đã sưu tầm được, coi đó là bằng chứng “hùng hồn”, “đầy sức thuyết phục”, “không thể chối cãi được”… để chứng minh, bảo vệ cho lập trường pháp lý của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì, lập trường pháp lý của ViệtNamlà dựa theo “nguyên tắc chiếm hữu thật sự” mà nội dung căn bản của nó là:
- Do Nhà nước tiến hành ở một vùng đất vô chủ hay vùng đất bị bỏ hoang;
- Rõ ràng (công khai và không vấp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào);
- Liên tục và hòa bình (không bị gián đoạn trong thời gian dài, không sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm).
- Thật sự (không phải chỉ trên danh nghĩa mà thể hiện hiệu lực quản lý trên thực tế của nhà nước).
TS. Trần Công Trục
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
Đại biểu nhân dân