Nhà nước phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Báo Đại biểu Nhân dân đã đăng loạt 4 bài về các tư liệu lịch sử và bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù, các tư liệu lịch sử và bản đồ được đề cập không thể thể hiện đầy đủ và vẫn còn những tư liệu, thông tin cần được nghiên cứu, kiểm chứng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; nhất là về khoa học pháp lý có liên quan đến các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Tuy nhiên, loạt bài này đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu lịch sử, địa lý... có giá trị, góp phần chứng minh một chân lý là: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi.
Chiếm hữu và thực thi chủ quyền với tư cách Nhà nước
Nhà nước phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thời kỳ Nhà nước Đại Việt có sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của Đội Hoàng Sa, một tổ chức do Nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Hải đội Bắc Hải, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời Chúa, từ Chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy. Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, suốt từ thời các Chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa, kiêm quản đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: Châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp… đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ nhà nước.
Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời Chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa Tuyên, Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn: “Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (sách Toản tập Thiên nam Tứ chí lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền
Với tư cách là đại diện Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, từ năm 1931, Cộng hòa Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chẳng hạn:
Ngày 4.1.1932, Chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức Trọng tài quốc tế. Trung Quốc từ chối đề nghị này với lập luận rằng khi Vua Gia Long chiếm hữu quần đảo này, ViệtNam là chư hầu của Trung Quốc.
Ngày 21.12.1933, Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Ngày 18.2.1937, Pháp lại chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức Trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc lại khước từ.
Ngày 26.11.1937, Pháp phái kỹ sư trưởng J Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ, nghiên cứu các điều kiện định cư ở quần đảo này. Năm 1938, Pháp phái các đơn vị Bảo an đến đồn trú trên các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng Thế giới cho đăng ký với số hiệu là 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến điện TSF trên đảo Hoàng Sa. Ngày 15.6.1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 30.3.1938, Vua Bảo Đại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây. Ngày 15.6.1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie ký Nghị định 156-S-V thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.
TS. Trần Công Trục
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
Đại biểu nhân dân