275
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 31/12/2015 08:28
Chính sách thu hút thanh niên tài năng:Thảm đỏ chưa hấp dẫn
Qua 9 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh niên đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi phát huy vai trò của lực lượng thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có đối tượng thanh niên tài năng. Thảm đỏ đã được trải ra nhưng thực tế, vẫn ít người sẵn sàng bước tới.
Tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm 2015

Chính sách ngày càng mở


Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ về việc triển khai, thực hiện Luật Thanh niên, nhiều năm nay, Nhà nước đã ban hành một số chính sách đối với thanh niên có tài năng như: Cấp học bổng khuyến khích học tập cho những thanh niên đạt kết quả học tập xuất sắc; chính sách đào tạo, bồi dưỡng thanh niên có tài năng; ban hành cơ chế, chính sách thu hút trí thức trẻ có trình độ cao về công tác tại các cơ quan nhà nước; chính sách đối với tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao… Các bộ, cơ quan ở Trung ương và các địa phương đã chú trọng xây dựng chính sách thu hút, quy hoạch, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trẻ; kịp thời tuyên dương, tôn vinh tài năng trẻ.

 

Lấy ví dụ, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5.12.2011 về công chức xã, phường, thị trấn; Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30.12.2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về việc tuyển dụng các thanh niên tài năng làm công chức cấp xã không qua thi tuyển; hay Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 24.1.2014 thông qua Đề án chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có trình độ, năng lực chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp…

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: “Chính sách thu hút tài năng thời gian qua đã đi vào thực tế đời sống và tạo động lực khuyến khích nhiều tài năng trẻ như chế độ tiền lương, phụ cấp nhà ở, chính sách vay vốn, hỗ trợ làm giàu… Đề án 600, Đề án 500 thực chất cũng nằm trong chính sách thu hút tài năng trẻ”.

 

Chưa đủ sức hút


Tuy nhiên, trong phiên giải trình của Chính phủ về việc Ban hành hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức sáng 29.12 cho thấy, mặc dù cơ chế, chính sách ngày càng mở, nhưng việc thực thi lại chưa hiệu quả, không đủ sức hút giữ chân tài năng trẻ. Cụ thể, việc thể chế hóa các chính sách thu hút thanh niên còn hạn chế theo đối tượng, ngành, lĩnh vực; chính sách thu hút thanh niên có tài năng về công tác cơ sở chưa thống nhất giữa các địa phương; hệ thống chính sách từ khâu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng chưa có sự đồng bộ…

 

Đơn cử, đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành hoặc lồng ghép các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho thanh niên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát động phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh sinh viên và cán bộ trẻ… Nhưng thống kê lại chỉ ra, có rất ít người trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên thích làm thêm hơn là nghiên cứu trong nhà trường, giảng viên trẻ lo kiếm sống bên ngoài hơn là tham gia các đề tài khoa học… Hay như mới đây, thông tin về việc 12/13 quán quân cuộc thi Olympia không muốn về nước làm việc khiến nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám” ở nước ta sẽ cán “vạch báo động”…

 

ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy nêu thêm: “Qua tiếp xúc cử tri, và thực tế có thể thấy rất nhiều trường hợp tiến sĩ, thạc sĩ… kể cả học ở nước ngoài hay ở trong nước nhưng thi công chức vẫn trượt. Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước phải giải trình nguyên nhân cũng như sớm tìm ra được giải pháp khắc phục thực trạng này”.

 

Cần người đỡ đầu


Điều 10, Luật Thanh niên quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong lao động; Điều 18 quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên trong lao động, trong đó chú trọng tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi, chế độ ưu đãi thích hợp cho tài năng trẻ; đặc biệt quan tâm đưa những thanh niên có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt vào quy hoạch và đào tạo chức danh lãnh đạo, quản lý; đồng thời nâng tỷ lệ cán bộ trẻ trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành… Tuy nhiên, việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân lực lại hoàn toàn thuộc về thẩm quyền của nhà sử dụng lao động, cho nên để bảo đảm quyền lợi của các tài năng trẻ cần có cơ quan “đỡ đầu”.

 

Hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 120/2007/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đề xuất ý tưởng về vai trò trung gian của Bộ trong thu hút tài năng trẻ cho các bộ, ngành, cơ quan… Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: “Bộ Nội vụ sẽ là trung tâm để Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao… giới thiệu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trong nước, nước ngoài, cán bộ khoa học trẻ làm việc ở nước ngoài, trong nước… Sau khi lên danh sách, chúng tôi sẽ khống chế độ tuổi tối thiểu, tối đa… để đưa ra quy định thu hút phù hợp cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhằm tạo tính thống nhất, đồng bộ và bảo đảm phát huy hiệu quả sử dụng tài năng trẻ”.

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ NGUYỄN DUY THĂNG:


Việc thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ dựa theo Luật Thanh niên nhưng cũng liên quan đến nhiều luật khác. Trong chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ tài năng trẻ, chúng tôi cũng đặt ra các điều kiện, chẳng hạn, thời gian đầu bảo đảm chế độ ngoài ngân sách theo quy định, sau 3 năm nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẽ đặc cách thi lên ngạch, nếu đạt loại chuẩn thì tiếp tục thực hiện chế độ theo chính sách thu hút, nếu không đạt thì chuyển ngạch

 

Đại biểu nhân dân