Thế nhưng, nhắc đến con cái, nhắc đến chuyện học hành, ánh mắt những người làm cha, làm mẹ lại ánh lên rạng rỡ. Phía trước còn ngun ngút xa, đường đời dằng dặc chưa dễ gì nói trước, nhưng gieo vào con cái chữ, cái nghĩa là thêm niềm tin vào cuộc sống. Có nhiều con đường để nên người, nên nghiệp. Nhưng học vấn làm mỗi người tự tin và bản lĩnh hơn lên. Ước vọng mẹ cha cũng không nằm ngoài mong mỏi ấy.
Lòng hiếu học là tài sản lớn, là hạnh phúc không dễ dân tộc nào có được. Một bà mẹ nghèo đất chiêm trũng Hà Nam bán nhà lên Hà Nội thuê trọ cả chục năm trời, nhẫn nại bán xổ số bên hồ Thiền Quang để nuôi đứa con trai ăn học, đoạt Huy chương Vàng toán quốc tế. Một cậu bé đất Kinh Bắc bao năm đến lớp với cái túi “cám cò” đựng sách vở vì nhà không đủ tiền mua cặp, vẫn hồn nhiên đoạt thủ khoa một trường đại học… Không phải chuyện ôn nghèo, kể khổ, nhưng cái chất chi chút, cặm cụi học hành, lấy sự học làm đầu đã nâng đỡ một đất nước còn nghèo, vươn lên tự tin trên hành trình hội nhập. Không hiếm những doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học có tên tuổi hôm nay là những cậu bé học trò nghèo đến lớp với nỗi lo “thiếu trước, hụt sau” như thế. Kỷ niệm về những tháng năm gian khó cũng là hành trang quý để trên mỗi thành công, họ biết chắt lọc, nâng niu những thành quả làm được và rộng bàn tay nâng đỡ những thế hệ tiếp sau trên con đường tri thức.
Thế nhưng, thời hội nhập đòi hỏi phải nhìn nhận sự học ở tầm chiến lược quốc gia. Cạnh tranh tri thức, xây dựng nền kinh tế mang hàm lượng trí tuệ cao là thách thức lớn, trong đó đào tạo con người phải là gốc. Trong những hoàn cảnh khác nhau, đã có những sinh viên phải dừng chân trước ngưỡng cửa trường đại học chỉ vì gia đình không có đủ tiền trang trải. Gánh nặng học hành đang là nỗi lo quá tầm tay của nhiều gia đình thu nhập thấp, còn đang phải vật lộn, thấp thỏm với cái ăn, cái mặc hằng ngày. Đấy là chưa kể, nền giáo dục còn bao nhiêu bất cập, yếu kém chậm được khắc phục. Đó là lý do khiến rất nhiều phụ huynh có điều kiện chỉ chăm chăm kiếm tiền lo cho con du học. Ngày càng nhiều sinh viên tìm mọi cách ở lại làm việc ở nước sở tại sau tốt nghiệp...
Đặt giáo dục ở tầm quốc sách là một cách nhìn đúng đắn. Nhưng quan trọng hơn, phải biến quốc sách ấy thành hiện thực. Học sinh nghèo đến trường phải được trợ giúp xứng đáng. Cơ hội học hành là một chỉ số của xã hội văn minh. Hơn thế, nếu để học trò nghèo hụt hơi trước ngưỡng cửa tri thức chỉ vì không đủ những trang trải cần thiết, chính là đất nước đang lãng phí đi nguồn nhân lực quý giá của tương lai.
Năm học mới lại bắt đầu. Học trò nghèo đến lớp đã có thêm nhiều những bàn tay sẻ chia, giúp đỡ. Không chỉ là câu chuyện tự phát của một số doanh nghiệp, cá nhân, những nhà hảo tâm làm việc nghĩa, vấn đề này đã thể hiện trong chính sách quốc gia với chủ trương cho sinh viên, học sinh nghèo vay vốn ưu đãi trang trải cho việc học. Kênh tín dụng này khai thông, đến đúng đối tượng sẽ chắp cánh cho khát vọng của nhiều sinh viên nghèo. Đó cũng là tín hiệu tích cực về một đất nước quan tâm đến giáo dục, luôn dành sự ưu ái nhất có thể cho thế hệ tương lai vững bước vào hội nhập!
Người đại biểu nhân dân