476
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 12/06/2015 09:07
Chinh phục bạn đọc bằng sự thật
Chia sẻ tại hội thảo Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số ngày 10.6, nhiều nhà báo nhấn mạnh: thời đại kỹ thuật số, đòi hỏi người làm báo nhạy cảm trong chọn lựa, xử lý liều lượng thông tin. Để tạo niềm tin với công chúng, không còn cách nào khác là phải lấy sự thật và lợi ích của bạn đọc để chinh phục họ.

Thông tin thiếu kiểm chứng


Không thể phủ nhận kỷ nguyên số đã giúp báo chí phát triển về mọi mặt nhưng cũng chính kỷ nguyên số đã tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt, làm nảy sinh những thách thức lớn chưa từng có đối với nền báo chí chuyên nghiệp. Trong kỷ nguyên số, công chúng đang có quá nhiều kênh để tiếp cận thông tin, nhưng lại rất nhiều thông tin không chính xác, sai sự thật, thông tin tiêu cực, gây sốc, lạm dụng thông tin đời tư nhân vật..., khiến vấn đề đạo đức nghề nghiệp báo chí lại nóng hơn bao giờ hết trên các diễn đàn, hội thảo.

 

Đạo đức nghề nghiệp đối với ngành nghề nào cũng phải được đặt lên hàng đầu, song với báo chí - lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, thì đạo đức, lương tâm nghề nghiệp càng được chú trọng. Gần đây, không ít câu chuyện được đăng trên các tờ báo giấy hay báo mạng chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng. Chẳng hạn, từ câu chuyện một nữ sinh viên bối rối về chuyện học hành, nghề nghiệp bỏ lên Đà Lạt chơi, rất nhiều tờ báo đã dựng nên câu chuyện nữ sinh mất tích với nhiều tình tiết ly kỳ, bí hiểm. Đình đám hơn là câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” giữa chàng trai tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vượt qua khó khăn, rào cản định kiến để lấy cô gái khiếm thị hát rong. Đáng sợ hơn nữa là tình trạng vô tư đưa những thông tin thiếu kiểm chứng như phát hiện chấn động, thu hút sự quan tâm của không ít người. Và trớ trêu thay, thống kê cho thấy rất nhiều tờ báo hay trang mạng xã hội có thiên hướng lá cải lại có lượng người đọc lớn và tăng nhanh.

 

Có thể thấy, mạng xã hội đôi lúc làm lệch cán cân truyền thông về phía những vấn đề, đề tài vụn vặt, khiến công chúng ít quan tâm đến những vấn đề xã hội quan trọng hơn. Áp lực thông tin từ mạng xã hội cũng khiến không ít tờ báo tập trung đưa tin về người nổi tiếng, giải trí, bạo lực, tai nạn, sự cố, về những chuyện sinh hoạt cá nhân...

 

Cần bộ lọc đủ tinh nhạy


Theo nhà báo Hữu Thọ, một số tờ báo, nhà báo hiện nay không giữ vững được bản lĩnh nghề nghiệp, đang chạy đua theo thông tin trên các trang mạng xã hội, bị thông tin xấu dẫn dắt. Những thông tin này đáng lẽ chỉ nên mang tính chất tham khảo hoặc gợi chủ đề, thì nhiều nhà báo lại sẵn sàng lấy làm tư liệu. Thậm chí, đôi lúc có cảm tưởng một số tờ báo không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích của mình, chạy theo nhu cầu tin tức của một bộ phận công chúng. Đây là điều rất nguy hiểm, vì đọc nhiều tin tức chưa được kiểm chứng, các tờ báo lá cải với thông tin giật gân, sẽ khiến lòng tin của độc giả, đặc biệt là lớp trẻ bị xô đẩy, bởi lời nói dối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì người ta sẽ tin đó là sự thật. Nếu độc giả chỉ tiếp cận những thông tin vô giá trị, sai sự thật thì dần dần họ sẽ có cái nhìn méo mó và mất niềm tin vào báo chí.

 

Nhà báo Đăng Dũng, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ cho rằng, nếu báo chí không tạo được niềm tin trong công chúng thì nguy cơ lớn là báo chí sẽ mất dần bạn đọc, rơi vào khủng hoảng. Và để tạo niềm tin với công chúng, không còn cách nào khác là phải lấy sự thật và lợi ích của bạn đọc để chinh phục họ. Để làm được điều đó, đội ngũ làm báo phải chấp nhận dấn thân, thậm chí chấp nhận nguy hiểm. Đây là điều không phải lúc nào, không phải ai, không phải bất cứ cơ quan báo chí nào cũng làm được.

 

Nhà báo Lương Bích Ngọc, Tổng biên tập Báo điện tử Khám phá nhấn mạnh, đừng nói chung chung rằng cần sự vào cuộc của toàn xã hội, cần sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý… Bởi một khi người đứng đầu các cơ quan báo chí còn coi sự ăn khách, giật gân là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá phóng viên thì những lỗi phán xét, nhào nặn thông tin mà không nghĩ rằng đó là vi phạm đạo đức làm báo vẫn tồn tại. Muốn thay đổi, trước hết người đứng đầu các cơ quan báo chí phải coi những lỗi về nghiệp vụ như đạo bài, bịa đặt, nhập nhằng chuyện trích dẫn nguồn, cắt xén, bình luận tùy tiện, chủ quan... là vi phạm đạo đức báo chí. Và bộ lọc phải đủ tinh nhạy, đủ mạnh để các sản phẩm báo chí như vậy không lên mặt báo.

 

Người đại biểu nhân dân