Nhiều trường nghề “chết lâm sàng”
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), sau 5 năm thực hiện, Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tuyển sinh đào tạo nghề trong 5 năm (2011 - 2015) được 9.171.371 người, đạt 95,5% so với mục tiêu chiến lược đề ra, tăng 18% so với giai đoạn 2006 - 2010. Riêng đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng có trên 2,4 triệu lao động nông thôn theo chính sách đề án 1956.
Tuy nhiên, một số mục tiêu của Chiến lược đã không đạt yêu cầu như: mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; cấp chứng chỉ nghề quốc gia; hướng nghiệp phân luồng học nghề sau trung học cơ sở… Dù được các trường áp dụng, đẩy mạnh nhưng nói nhiều làm chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân là do chậm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới trường CĐ nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề đến năm 2020. Ảnh hưởng từ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề sau thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhất là thay đổi hệ thống sẽ dẫn đến thay đổi mạng lưới cơ sở dạy nghề, nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tạm thời chưa ban hành Quy hoạch. Bên cạnh đó, hiện việc phân bố mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng chưa hợp lý, nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu cho các trường chỉ đạt 62% so với kế hoạch. Đội ngũ giáo viên dạy nghề tuy tăng số lượng nhưng kỹ năng nghề đạt theo chỉ tiêu mới khoảng 60% và việc tiến hành bồi dưỡng, tổ chức đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề thiếu chuyên nghiệp…
Thống kê của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, tính đến hết năm 2015, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, trong đó 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác (cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp…) tham gia dạy nghề. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2015, tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề là hơn 1,1 triệu người, chỉ đạt 53,4% so với mục tiêu. Nhiều trường không tuyển sinh được học sinh và đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Đại diện Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng chia sẻ, 3 năm trở lại đây, số lượng người học giảm mạnh, trường phải xuống tận phường, xã, tổ dân phố để tuyển sinh.
Không dàn hàng ngang sử dụng ngân sách
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí khẳng định, phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá để phát triển kinh tế để tiến tới giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả. Theo đó, Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung đào tạo 120 ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, bao gồm: Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề, đặc biệt sẽ nghiên cứu cho phép thí điểm trường cao đẳng được liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo liên thông các trình độ. Song song đó, có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa; phát triển chương trình, giáo trình và quản lý khung trình độ quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn kết cùng doanh nghiệp trong đào tạo nghề… Tổng kinh phí dự án dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 hơn 15.000 tỷ đồng.
Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, thời gian tới, Tổng cục sẽ tổng rà soát hệ thống trường dạy nghề. Trường nào không có học viên; cơ sở vật chất xuống cấp, không có khả năng đầu tư thì tiến hành giải thể, sáp nhập… Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, nội dung chương trình đào tạo cũng có nhiều thay đổi. Các trường tự xây dựng nội dung chương trình và Tổng cục Dạy nghề chỉ quản lý đầu ra. Nếu các trường không tự đổi mới thu hút người học, sẽ bị đào thải. Để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề thì việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng tại các trường dạy nghề là yêu cầu cấp bách. Theo kế hoạch đang được đề xuất, đến năm 2020 sẽ thành lập 3 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề thuộc Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề và khoảng 20 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề do các tổ chức và cá nhân thành lập. Ông Dương Đức Lân nhấn mạnh: “Từ năm 2016, sẽ không có chuyện dàn hàng ngang sử dụng vốn ngân sách để đầu tư trường, cơ sở dạy nghề mà không tính đến hiệu quả thực tiễn. Với 45 trường cao đẳng nghề được chọn đầu tư trọng điểm từ ngân sách nhà nước cũng vậy, nếu không đáp ứng kế hoạch đề ra, sẽ có trường ra khỏi danh sách, nhường chỗ cho trường khác”.
Đại biểu nhân dân