Nội đô thiếu, ngoại ô cũng thiếu
Tạo dựng không gian công cộng luôn là thách thức đối với những nước phát triển và đang phát triển. Vấn đề này càng trở nên khó hơn đối với một thành phố châu Á đang phát triển nhanh như Hà Nội. Trong khi mật độ dân số ở đây ngày càng cao nhưng dường như không có không gian công cộng cho người dân; đặc biệt không gian dành cho thanh niên vui chơi, vận động và giao tiếp xã hội. Hoặc nếu có, theo nghiên cứu Quản lý đô thị trong việc bảo vệ và phát triển vườn hoa sân chơi khu dân cư ở các quận nội thành Hà Nội của HealthBridge và Quỹ châu Á, các không gian này thường rất đông người sử dụng và có sự cạnh tranh giữa các nhóm tuổi, giới tính, giữa các loại hình hoạt động. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cộng thêm các chính sách đổi mới kinh tế và phát triển đô thị theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa cũng ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng, quản lý, vận hành và sử dụng các không gian công cộng trong thành phố.
Mặc dù sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội đã có thêm 124ha công viên (tăng 1,5 lần) và 13,5ha diện tích vườn hoa (tăng 3 lần) nhưng hầu hết không gian công cộng mới này được xây dựng ở khu vực ven đô. Ở nội đô rất ít không gian công cộng được xây thêm và phần lớn là những vườn hoa nhỏ. Trong giai đoạn 2000 - 2010, thành phố mất đi 154ha diện tích mặt nước do nhiều hồ lớn bị thu hẹp diện tích, ao hồ nhỏ bị san lấp để xây dựng, khiến cho diện tích mặt nước tính bình quân cho mỗi thanh niên cũng giảm đáng kể.
Tổ chức HealthBridge chỉ ra rằng, thanh niên lứa tuổi 18 - 25 là nhóm dân số tích cực di chuyển nhất nhưng với khoảng cách đi bộ đến không gian công cộng khoảng 900m thì phần lớn các khu vực trong thành phố đều không thể đáp ứng. Nhiều khu vực, khoảng cách tiếp cận công viên, vườn hoa lên tới 2km - 3km, không thể đi bộ hoặc đạp xe đến. Như vậy, không gian công cộng ở Hà Nội không những thiếu mà còn phân bố không đồng đều.
Tạo dựng không gian công cộng thân thiện
Đại diện Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Canada TS. Stephanie Geertman nhấn mạnh: không gian công cộng rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh niên. Bản thân thanh niên khi được hỏi đã đánh giá cao lợi ích của việc tiếp xúc với thiên nhiên. Họ cũng sẽ có lối sống tích cực, có điều kiện giao tiếp xã hội... nhất là với thanh niên nhập cư, không gian công cộng giúp họ không bị cảm thấy cô lập với xã hội. Đặc biệt, không gian công cộng giúp thanh niên tránh xa những cách giải tỏa căng thẳng nguy hiểm như tìm đến rượu hay ma túy.
Nhưng tại Hà Nội, hoạt động tại các không gian công cộng dành cho nhóm thanh niên 18 - 25 tuổi - lứa tuổi đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn - chưa thực sự được quan tâm. Thanh niên đến với không gian công cộng không chỉ để thực hiện các hoạt động thể chất như tập thể dục hoặc chơi thể thao mà còn để giao tiếp xã hội, thư giãn và tham gia các hoạt động ngoài trời khác. Nên việc nhiều người quản lý và bảo vệ hạn chế hoặc không chấp nhận các hoạt động của họ tại đây, khiến thanh niên ngại tiếp cận các không gian công cộng. Chưa kể thanh niên ít ưu thế hơn các nhóm khác cùng sử dụng không gian công cộng như người già và trẻ em, nhất trong các giờ cao điểm như sáng, chiều muộn và tối.
Việc tạo ra những không gian công cộng thân thiện, chất lượng với thanh niên trong đô thị là một chiến lược dài hạn, bảo đảm thanh niên có điều kiện phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh và cân bằng. Theo TS. Stephanie Geertman, thời gian tới, Hà Nội nên có phương án khuyến khích, hỗ trợ, ưu tiên những giải pháp sáng tạo và linh hoạt trong việc tạo ra các không gian công cộng tại khu vực đô thị hiện hữu. Ví dụ như tạo ra các sân chơi di động cho thanh niên, biến các bãi đỗ xe thành vườn hoa, công viên... hay cải tạo những không gian công cộng hiện có và phục hồi những không gian công cộng đang bị chiếm dụng sai mục đích; tiến tới xây dựng một cơ chế giám sát và bảo vệ các không gian công cộng hiện có, bỏ thu phí và hàng rào bảo vệ tại nhiều công viên, thiết kế công viên dành cho mọi đối tượng... Độ hấp dẫn của không gian công cộng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng bảo trì và độ sẵn có của cơ sở vật chất, bầu không khí nơi đây
Người đại biểu nhân dân