Các ý kiến bày tỏ sự nhất trí với dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT công bố từ tháng 12-2014 với việc tổ chức một kỳ thi chung quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách, giảm áp lực thi cử, mở ra cơ hội công bằng và ngành nghề tối ưu cho học sinh… Tuy nhiên, các đại biểu cũng lo lắng về thời gian xét tuyển còn ngắn, chưa quy định rõ về ban chấm phúc khảo, quy định chi tiết về việc xử lý kỷ luật lãnh đạo các trường trong tuyển sinh… Nhiều tham luận kiến nghị Bộ GD-ĐT nên duy trì thang điểm 10, nêu rõ cấu trúc đề thi, có hướng dẫn thêm về chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quy định đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do…
Kết luận tọa đàm, Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh năm nay nhằm thay đổi, nâng cao chất lượng dạy và học, lấy quyền lợi căn bản của học sinh làm tiêu chí căn bản của tuyển sinh. Thời gian chính thức công bố quy chế này dự kiến vào 10 ngày đầu của tháng 2-2015 sau khi Bộ GD-ĐT ghi nhận ý kiến từ nhiều kênh thông tin. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, Bộ sẽ cân nhắc duy trì thang điểm 10 để tránh xáo trộn về tâm lý cho giáo viên và học sinh; phương án thi mới này sẽ giữ ổn định và sẽ bổ sung điểm mới khi thật cần thiết.
QĐND