Ngày 8/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chủ trì Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non, tại TPHCM.
Tính đến tháng 10/2014, tại 39 tỉnh, thành phố có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm tỉ lệ 1,9% so với tổng số trường mầm non công lập và ngoài công lập, chiếm 15,6% so với số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, một số tỉnh có tỉ lệ trường mầm non do tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập khá cao như Bà Rịa-Vũng Tàu 23,2% (33/142 trường), Lâm Đồng 11,8% (26/219 trường), Đồng Nai 9,2% (25/272 trường), Thành phố Hồ Chí Minh 9,4% (86/912 trường và 40 nhóm lớp)…
Các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo đã huy động khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp. 100% các cơ sở đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% số trường được trang bị máy tính, nối mạng Internet phục vục công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; có bếp ăn, có công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, có đồ chơi ngoài trời, sân chơi. Hầu hết các cơ sở đều có phòng học nhạc và đây là thế mạnh của các trường do Công giáo tổ chức, quản lí.
Nhiều cơ sở giáo dục mầm non được thành lập từ sự đóng góp, hiến đất của các nhà hảo tâm nhờ sự vận động của các vị chức sắc, nhà tu hành tôn giáo đã tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường (như trường Mầm non Bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang; trường Mẫu giáo Hoạ Mi, Châu Phú, An Giang; trường Mầm non Quảng Tế, thành phố Huế, Thừa Thiên-Huế…).
Nhiều nữ tu, tăng ni với vai trò quản lí, giáo viên đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục, gắn bó cả cuộc đời mình để chăm lo cho trẻ, coi trường là nhà, chăm sóc, yêu thương trẻ như chính người thân của mình.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra một số tồn tại của các cơ sở giáo dục mầm non do các tổ chức tôn giáo quản lý hoạt động nhưng chưa được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ (chiếm khoảng 9,4%), nhiều nhóm/lớp có sĩ số trẻ vượt quá quy định của điều lệ trường mầm non song chưa tiến hành các thủ tục để thành lập trường.
Trong các cơ sở giáo dục mầm non do tổ chức, cá nhân công giáo thành lập, nữ tu làm công tác quản lí có nhiều biến động, không ổn định, thay đổi theo sự luân chuyển, điều động của nhà dòng, do vậy ảnh hưởng nhất định trong công tác quản lí.
Ảnh: VGP/Từ Lương
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tầm quan trọng của các tôn giáo trong sự nghiệp giáo dục nói chung và bậc giáo dục mầm non nước nhà nói riêng.
Dù chỉ chiếm 3,6% trẻ mầm non cả nước nhưng các cơ sở mầm non thuộc các tôn giáo lại chủ yếu hỗ trợ những trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơ nhỡ nên ý nghĩa được nâng lên gấp bội.
Hầu hết nguồn kinh phí hoạt động của các cơ sở mầm non này là tự lo hoặc tự vận động nhưng các cơ sở mầm non thuộc các tôn giáo lại phát triển khá toàn diện với cơ sở vật chất tốt, 90% giáo viên đạt chuẩn.
“Mỗi người Việt Nam yêu trẻ em, yêu đất nước, họ có quyền thực hiện quyền chăm sóc và giáo dục trẻ em, không phân biệt là người có đạo hay không có đạo, nên cần phải tạo điều kiện tốt nhất để họ cống hiến. Các trường mầm non của những người có đạo thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, đây là những tấm lòng rất đáng trân trọng”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại một cách đầy đủ điều kiện như: Quy hoạch đất cho các trường mầm non để xây dựng trường, phấn đấu trường mầm non thuộc các cơ sở tôn giáo có đất như một cơ sở bình thường. Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp, đồng hành cùng với các cơ sở mầm non thuộc các cơ sở tôn giáo hoạt động hiệu quả.
Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao bằng khen cho 26 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển giáo dục mầm non và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chinhphu.vn