Tháng 7.2015, tôi bất ngờ nhận được thư điện tử từ thư ký của nữ ca sĩ Joss Stone, đề nghị gặp gỡ, tìm hiểu về ca trù nhân dịp cô tham dự Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2015 (tháng 10, tại Hoàng thành Thăng Long). Tôi không biết nhiều nghệ sĩ nhạc đại chúng quốc tế, nhưng sau tìm hiểu thì biết đó là “Nữ hoàng nhạc soul” của Anh, từng giành giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá, có đĩa bán chạy nhất trong thập niên 2000. Joss Stone mong muốn trở thành nghệ sĩ đầu tiên biểu diễn ở mọi quốc gia trên thế giới và đến nước nào cô cũng làm một clip với âm nhạc truyền thống của dân tộc đó. Tại sao Joss Stone không chọn thể loại âm nhạc truyền thống khác mà lại là ca trù? Tôi không tiện hỏi nhưng có lẽ khi tìm hiểu qua internet và nghe nhạc, cô ấy nhận thấy ca trù đặc biệt, không đâu có, kể cả ở các nước Đông Nam Á, và cô thích nó.
Ban đầu, Joss Stone và êkip của cô định thực hiện clip tại vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, nhưng thời gian cô ở Việt Nam quá ngắn, trong khi di chuyển từ Hà Nội xuống Hạ Long cũng phải mất một buổi. Sau đó, chúng tôi tính dời lên Hồ Tây nhưng sợ không kiếm được chỗ yên tĩnh, hoặc thời tiết không đẹp có thể làm hỏng khuôn hình. Suy đi nghĩ tại, cuối cùng chúng tôi quyết định quay về đền Quan Đế ở phố cổ Hà Nội để quay cho an toàn. Đây chính là nơi CLB Ca trù Thăng Long biểu diễn định kỳ phục vụ khách du lịch vào thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hằng tuần.
Trước đó, tìm trên Youtube, Joss Stone thích bài Lộc Xuân và đề nghị được học. Tôi gửi lời cho cô xem, đến lúc làm việc trực tiếp, tôi hát trước, cô ấy hát lại, tôi hát đoạn sau, cô ấy ngẫu hứng theo, và cả hai kết thúc cùng một câu. Thực ra, đó chỉ là một phần ngẫu hứng dựa trên chất liệu ca trù, nhưng chúng tôi đều thấy rất thú vị. Khi tôi giới thiệu những đặc điểm cơ bản của ca trù như hát thế nào, đàn ra sao, Joss Stone rất khoái, thử gõ phách luôn. Cô thích kỹ thuật của ca trù, cho rằng đó là một kỹ thuật đặc biệt.
Joss Stone đã có buổi làm việc đầy hứng thú với nghệ thuật ca trù. Những cuộc giao lưu như thế mang lại ích lợi cho cả hai nghệ sĩ, hai dòng nhạc, từ kỹ thuật đến chất liệu, kinh nghiệm biểu diễn. Joss là người sáng tác, nên có thể sẽ đưa màu sắc, âm hưởng của ca trù vào các tác phẩm của cô ấy sau này. Bản thân các nghệ sĩ nhạc truyền thống như chúng tôi cũng học hỏi được nhiều, cảm thấy tự hào về những gì mình đang theo đuổi. Tuy không biết tiếng Việt nhưng Joss Stone bắt chữ rất nhanh, sau đó ngẫu hứng ngay trên các âm điệu đó. Đấy là tiếng hát từ trái tim, tâm hồn của nghệ sĩ. Sự hòa quyện về âm thanh khiến cho không còn ranh giới về ngôn từ, quốc tịch, màu da, mà chỉ có âm nhạc
Ảnh: Duy Thông
Cứ nghe hay là thích
Joss Stone không phải trường hợp cá biệt. Những năm qua, rất nhiều nghệ sĩ, kể cả các nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế đến Hà Nội đã tìm hiểu về ca trù. Mới đây thôi, một nhóm nghệ sĩ guitar sau khi nghe chương trình biểu diễn của CLB Ca trù Thăng Long, thử chơi đàn đáy, đã đánh giá rất cao nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam. Những nghệ sĩ chuyên nghiệp như vậy chỉ cần xem một buổi biểu diễn là có thể hình dung được toàn cảnh âm nhạc truyền thống ViệtNam. Qua trao đổi, họ cho biết, đi đâu họ cũng tìm hiểu âm nhạc truyền thống của nước đó và thấy rằng âm nhạc truyền thống ở tất cả các nước đều gặp khó khăn như nhau. Họ ấn tượng với không gian biểu diễn cổ kính, linh thiêng của đền Quan Đế, tính ngẫu hứng và kỹ năng điêu luyện, đặc biệt là cảm nhận được lòng tự hào của mỗi nghệ sĩ.
Biết tôi đang giảng dạy tại Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhiều khán giả quốc tế tò mò hỏi giới trẻ Việt Nam có yêu thích âm nhạc truyền thống không, tôi thông tin rằng các em thích nhạc truyền thống nhưng hiện nay đang bị tác động bởi âm nhạc pop, rock. Nhiều người đưa âm nhạc phương Tây vào chơi trên cây đàn dân tộc, nhưng chính điều này có thể làm triệt tiêu những cái nhấn nhá, nét đẹp của nhạc truyền thống ViệtNam. Thách thức này đòi hỏi các nghệ sĩ nhạc truyền thống chúng tôi phải chơi hay hơn nữa để hấp dẫn khán giả, giúp họ nhận ra cái hay cái đẹp của âm nhạc dân tộc, quay trở lại với nguồn gốc của mình.
Thực tế, sau khi ca trù được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, giới trẻ Việt Nam đã quan tâm, hướng về ca trù. Có thể khẳng định các bạn trẻ dưới 15 tuổi khi tiếp xúc với âm nhạc truyền thống, nhất là ca trù, rất dễ đam mê. Có em ở tận Cẩm Phả, Quảng Ninh, lần đầu tiên nghe ca trù mới 7 tuổi nhưng đã thích thú và nuôi tình yêu với ca trù suốt 5 năm qua, đến bây giờ thì lên Hà Nội theo học bài bản. Một cách rất tự nhiên, đứa trẻ 7 tuổi chưa có nhận thức gì về âm nhạc truyền thống hay thế giới, chỉ đơn giản nghe và thấy thích, đó là sức hút thật sự của ca trù nói riêng, âm nhạc truyền thống nói chung. Nếu chúng ta giáo dục các em cởi mở với tất cả dòng âm nhạc thì lúc đó các em sẽ lựa chọn bằng trái tim và lựa chọn đó là chính xác nhất.
Sáng tạo để bảo tồn
Âm nhạc truyền thống có thể đem lại nguồn thu lớn nếu chúng ta biết đầu tư, và bây giờ là giai đoạn có thể đầu tư cho âm nhạc truyền thống, nếu để trượt đi 5 - 10 năm nữa thì không còn cơ hội để cứu vớt chứ chưa nói đến khai thác kho tàng âm nhạc dân tộc quý giá. Nhật Bản là một ví dụ. Âm nhạc truyền thống của họ được đẩy lên thành một biểu tượng, kho báu vô tận, có thể khai thác từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không sợ bị cạn kiệt. Nhật Bản có 2 dòng âm nhạc truyền thống rõ rệt. Một dòng xâm nhập, hòa đồng với thế giới, với hệ thống học viện âm nhạc, tiếp thu tất cả những gì thế giới đang làm. Mặt khác, họ bảo tồn nguyên gốc âm nhạc truyền thống, thậm chí họ có dàn nhã nhạc đời nhà Đường mà Trung Quốc không có.
Với ca trù cũng vậy thôi, phải làm 2 việc cùng lúc, đi bằng hai chân. Chúng ta vẫn phải bảo tồn, nhưng trong bảo tồn đã là phát triển. Cho dù tôi muốn hát giống cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc thì vẫn đưa cái hồn, hiểu biết của mình vào và âm nhạc của tôi nằm trong câu hát ấy, không bao giờ có thể giống được cụ 100%, mãi mãi là như vậy. Đó là sự sáng tạo của nghệ sĩ và bất cứ thế hệ nào cũng làm điều đó. Nghệ thuật ca trù phát triển từ thế kỷ XI cho đến hôm nay, 1.000 năm, nó hoàn toàn khác biệt so với khi bắt đầu. Nói đúng ra, chúng ta đang phát huy giá trị nghệ thuật của ca trù, tức là sáng tạo những tác phẩm mới mang âm hưởng ca trù, như các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Cường hay tác phẩm khí nhạc lấy chất liệu ca trù, hoặc Kiều Khúc của tôi cũng là một cách. Hai dòng đó hoàn toàn độc lập, nhưng hỗ trợ lẫn nhau. Bảo tồn, gìn giữ mỏ quặng ca trù, nhưng cũng tìm cách biến nó thành sản phẩm có thể tiêu dùng, phục vụ nhu cầu cuộc sống đương đại.
Đương nhiên, người Việt Nam sẽ yêu âm nhạc truyền thống của mình, không bao giờ có điều ngược lại. Khi họ yêu âm nhạc truyền thống của mình thì họ sẽ yêu đất nước của mình và tự tin hơn rất nhiều khi ra thế giới, nói về âm nhạc truyền thống, về văn hóa của mình với niềm tự hào. Điều này cũng sẽ thúc đẩy văn hóa và kinh tế đất nước phát triển.
Đại biểu nhân dân