Địa lý không khô khan
Lịch sử và Địa lý là những bộ môn quan trọng hàng đầu trong giáo dục truyền thống, tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh. Hai môn học này cũng chưa đựng rất nhiều điều lý thú mà lẽ ra các em phải yêu thích mới phải. Thế nhưng tại sao các em lại không quan tâm và thích? “Năm lớp 6 cháu đứng gần nhất lớp môn Địa lý và thấy môn học này rất hay. Nhưng lên lớp 7, cô giáo giao bài và bắt tự đọc, tự hiểu, nên cháu không thích môn này nữa. Vì thế, cháu nghĩ yêu thích môn học hay không tùy thuộc vào sự truyền cảm hứng của thầy cô giáo” - Minh Quân, lớp 7A, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chia sẻ. Một lý do khác là cách trình bày sách giáo khoa khô khan, đưa ra nhiều số liệu khó nhớ, thiếu hấp dẫn nên càng dễ bị các em xem nhẹ, nếu không muốn nói là chối bỏ, quay lưng.
Để góp phần thay đổi điều này, sau khi đã cho ra đời bộ Sử ta - chuyện xưa kể lại bao gồm 4 tập với cả nghìn trang, nhóm tác giả Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Như Mai lại cùng nhau biên soạn bộ sách Thiên nhiên đất nước ta (NXB Kim Đồng, 2016) cũng có độ lớn tương ứng, không chỉ cung cấp những kiến thức rất cần thiết về địa lý mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước và tự hào với truyền thống dân tộc. Khó khăn nhất của nhóm tác giả là tìm cách tiếp cận đề tài này như thế nào để tránh được sự khô cứng trong các cuốn sách về địa lý đã có? Sau khi nghiên cứu, thảo luận, nhóm tác giả quyết định không đi sâu vào số liệu, nhận định, đánh giá chủ quan, mà dùng các yếu tố mang tính văn hóa, xã hội để tạo sự gần gũi, qua đó bạn đọc thấy địa lý rất gần gũi, thú vị và chứa đựng nhiều câu chuyện có thể khám phá làm phong phú hơn kiến thức cho mình.
Thấm đẫm chất thơ
Bộ sách được thai nghén và cho ra mắt bạn đọc sau khoảng một năm rưỡi, kể từ sưu tầm tư liệu, tích lũy và ghi chép thông tin cho đến điền dã, tham quan những địa danh cần thiết và tìm cảm hứng để cho việc thể hiện được sinh động và có hồn... Lấy cảm hứng từ 4 loại địa hình chính của nước ta là biển, núi, sông, rừng, bộ sách gồm 4 chủ đề mà mỗi tên sách đều thấm đẫm chất thơ và giàu chất tạo hình: Mênh mông biển Việt, Kì vĩ núi đèo, Muôn vẻ rừng xanh, Dạt dào sông nước. Tác giả Nguyễn Huy Thắng cho biết, tên của từng cuốn sách cũng đã nói lên được mục tiêu của nhóm tác giả biên soạn. “Chúng tôi hình dung đây là bộ tranh tứ bình nhiều màu sắc, ở đó không chỉ có thuần túy kiến thức về địa lý mà có cả văn thơ, lịch sử”.
Giống như một người dẫn đường tận tụy và đầy hiểu biết, mỗi cuốn sách đưa bạn đọc ghé thăm những địa chỉ nổi tiếng, những danh lam thắng cảnh của đất nước và nhất là có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn các dạng địa hình, địa chất phức tạp khác nhau. Viết về địa lý, nhưng các tác phẩm dồi dào dữ liệu lịch sử, văn hóa; cách diễn đạt giàu hình ảnh, có chất thơ. Các tác giả mong muốn tận dụng cơ hội để nâng cao kiến thức cho bạn đọc về lịch sử, văn hóa, khoa học tự nhiên, động thực vật, địa chất học, tình hình thời sự, pháp luật quốc tế, kinh tế học, đôi khi cả ngôn ngữ học và văn học dân gian...
“Nếu như qua bộ sách, các em thấy môn địa lý không hề khô khan mà trái lại, có cái hay, cái thú vị của nó, thì chúng tôi tự cho là đã thành công một nửa. Và nếu như qua đó, các em thấy quan tâm hơn đến cánh rừng, ngọn núi nơi quê mình, yêu hơn con sông chảy qua tỉnh mình hay có thêm ý thức về chủ quyền đối với các vùng biển trời Tổ quốc thiêng liêng, thì đó chính là phần thưởng không gì sánh được đối với nhóm tác giả chúng tôi!” - tác giả Nguyễn Quốc Tín nói
Bộ sách Thiên nhiên đất nước tagồm 5 cuốn. Mênh mông biển Việt (2 tập) đem tới những thông tin quan trọng về sự hình thành của biển Việt, những gia tài chứa trong lòng biển.Kì vĩ núi đèo dựng nên bức tranh hùng vĩ về những dạng núi chính ở Việt Nam, đồng thời tiết lộ những bí ẩn của núi, mối quan hệ của núi non với lịch sử và văn hóa dân tộc. Muôn vẻ rừng xanh là cái nhìn toàn cảnh về rừng Việt Nam, các hệ sinh thái rừng đặc trưng, tác dụng và sản vật của rừng... Dạt dào sông nước như bức tranh muôn sắc của mạng lưới sông ngòi, gắn với những chiến công và huyền tích
Đại biểu nhân dân