Tại hội thảo, Bộ GDĐT đã đưa ra 2 phương án: Bộ sẽ biên soạn 1 bộ SGK, khuyến khích thêm các tổ chức, cá nhân khác biên soạn nhiều bộ SGK khác; hoặc Bộ chỉ thẩm định những bộ SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cho rằng hiện Việt Nam đang thiếu kinh nghiệm biên soạn SGK theo định hướng mới, vì vậy Bộ GDĐT soạn một bộ sách mẫu là giải pháp an toàn.
GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất: “Nên có bộ SGK nòng cốt, nhưng chỉ làm một số bộ SGK khoa học xã hội (địa lý, lịch sử...), còn các môn khác thì xã hội hóa, hoặc có thể dịch SGK nước ngoài để đỡ tốn kém. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là Nhà nước viết SGK tiểu học và khoa học xã hội”.
Đồng quan điểm trên, PGS Văn Như Cương nói: “Bộ GDĐT phải có bộ SGK mẫu, vì việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân viết SGK trong những năm đầu là còn khó khăn. Mặt khác, không phải ai cũng làm được SGK vì phải có chuyên môn”.
Về phương án đổi mới SGK mà Bộ GDĐT đang theo hướng xóa đi làm lại từ đầu, GS Thuyết cho rằng có thể có phương án khác.
“Những gì cần thay ngay thì thay ngay, những gì có thể từ từ thì từ từ, để tránh tốn kém. Bộ nên thực hiện 3 bước: Điều chỉnh chương trình trước, sau đó yêu cầu giáo viên điều chỉnh phương pháp, trong thời gian đó thì tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK”, ông Thuyết khuyến nghị.
PGS Cương cũng cho rằng lộ trình mà Bộ GDĐT đề ra là có thể hoàn thành được nếu bắt đầu viết ngay từ đầu năm 2015. Nếu viết theo kiểu cuốn chiếu sẽ rất mất thời gian. Và Bộ phải có hướng dẫn kỹ để anh em làm không bị lúng túng.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, lại cho rằng SGK vẫn có một số ưu điểm, vì vậy không phải là bỏ hết mà phải có kế thừa. Những người tham gia viết sách phải được tuyển chọn, có giáo viên phổ thông giỏi, ở vùng miền viết cùng, là đồng tác giả.
GS Trần Đình Sử kiến nghị huy động đội ngũ chuyên gia giỏi để viết, sau đó có sách hướng dẫn dạy và học bằng các hoạt động để giáo viên chủ động, sáng tạo, tránh đọc chép hiện nay.
Nhiều nhà khoa học lưu ý phải quy định rõ ai có quyền quyết định lựa chọn SGK nào để học. Và nên giao cho giáo viên hoặc nhà trường, không nên giao cho Sở GDĐT vì rộng quá, nhưng để quyết định bộ SGK nào thì phải có ý kiến của phụ huynh.
“Tôi vẫn băn khoăn ai là người chọn SGK. Em có học được sách của anh?”, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cần đối xử công bằng, không được phân biệt quốc doanh-dân doanh; lựa chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học.
Đáng chú ý, không ít ý kiến cho rằng đợt đổi mới chương trình, SGK hiện hành cách đây 10 năm chưa thành công, là do các điều kiện để thực hiện như giáo viên, cơ sở vật chất, đào tạo sư phạm…chưa sẵn sàng.
Bà Trần Thị Tâm Đan đề nghị phải giải quyết tốt bài toán này, vì đó là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chương trình, SGK mới.
“Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải đi trước một bước. Bộ GDĐT phải chịu trách nhiệm, phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các trường sư phạm”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
(Chinhphu.vn)