350
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 02/04/2015 08:10
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững
“Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho phát triển bền vững,...” - đó là khẳng định của đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, sáng 1/4.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TH)

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá cao những đóng góp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội vào thành tựu chung của Thủ đô. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ của Sở VH-TT&DL Hà Nội tương đối nặng nề, mảng công tác rộng, quan trọng, nhạy cảm… Điều này đòi hỏi Sở VH-TT&DL phải thật sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.


Chia sẻ những khó khăn của ngành Văn hóa Thủ đô như: Số lượng di tích lịch sử văn hóa nhiều, cơ sở vật chất còn thiếu, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa được lượng hóa thành một tỷ lệ nhất định trong tổng chi ngân sách của thành phố,... song Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Các cấp, các ngành của Thành phố cần thống nhất trong nhận thức, quan điểm, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các nghị quyết chuyên đề về văn hóa theo phương châm: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững, cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai...



Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi ý: Ngành Văn hóa cần có những cơ chế, chính sách đặc thù. Ví dụ như: Hiện trên địa bàn Thủ đô có trên 5.000 di tích lịch sử văn hóa các loại, trong đó có trên 2.000 di tích được xếp hạng. Trong những năm qua, nguồn lực xã hội hóa tham gia công tác này còn lớn hơn nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Chính vì thế, Sở VH-TT&DL cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa… Đối với các di tích không xã hội hóa được, cần xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên để ngân sách tập trung đầu tư tập trung, không dàn trải.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu: Tiếp tục làm tốt công tác quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt cần tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm về quảng cáo tấm lớn ngoài trời; thông báo công khai danh sách những tổ chức, cá nhân vi phạm trên báo chí; các sở, ngành, quận, huyện không cấp phép quảng cáo mới đối với những đơn vị vi phạm… Mặt khác, cần quan tâm, lắng nghe và làm tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội, rút kinh nghiệm đối với những lễ hội gây dư luận không tốt trong thời gian gần đây. Đặc biệt, ngành cần tích cực, chủ động chuẩn bị tổ chức tốt các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm theo hướng trang trọng nhưng tiết kiệm…

 

Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng lưu ý: Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, ngành Văn hóa Thủ đô cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ. Trước mắt, cần hoàn thiện quy trình, thủ tục bổ nhiệm cấp trưởng đối với một số đơn vị sự nghiệp thuộc Sở. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án thành lập Sở Du lịch từ khâu chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy đến biên chế cán bộ… Trong quá trình thực hiện, đặc biệt chú trọng tăng cường đoàn kết nội bộ, phương pháp làm việc dân chủ, công khai, nhất là với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm…

 

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động, từ đầu năm đến nay, các lĩnh vực công tác của ngành được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực; đã tổ chức gần 700 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 90 buổi phục vụ các hoạt động chính trị, nhân dân vùng sâu, vùng xa. Phong trào thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Toàn Thành phố đã giành được 72 huy chương các loại, trong đó có 31 huy chương vàng. Trong 3 tháng đầu năm 2015, ngành du lịch Thủ đô đón trên 2,74 triệu lượt khách, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2014. Đặc biệt, Hà Nội đã được tạp chí Trip Advision bình chọn đứng thứ 4/10 điểm đến yêu thích năm 2015…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, ngành VH-TT&DL Hà Nội cũng còn những tồn tại cần khắc phục. Đó là: Tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo còn phổ biến; các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo thiếu đồng bộ, thống nhất dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện và khó khăn trong quản lý. Công tác tổ chức lễ hội vẫn còn nhiều tồn tại như: Tình trạng bán hàng rong làm mất mỹ quan đô thị, công tác vệ sinh môi trường, nội dung lễ hội còn đơn điệu… Một số thiết chế văn hóa chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di sản văn hóa, di tích văn hóa lịch sử còn nhiều bất cập…

 

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất đề nghị Sở VH-TT&DL Hà Nội quan tâm hơn nữa đến các lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật; lập ngay kế hoạch bảo trì hàng năm đối với các công trình được đưa vào sử dụng; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong các lĩnh vực liên quan đến văn hóa…/.

 

ĐCSVN