Thách thức từ hội nhập
Bắc Kạn có 7 dân tộc anh em chung sống, kho tàng dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, tín ngưỡng vô cùng phong phú, như then, Sli, lượn, múa, dấu tích đồ đá, đồ đồng… Nhưng đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết, trong quá trình đổi mới, nhiều vốn di sản đã bị mất đi. Đây thực sự là một thách thức trong khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số không chỉ riêng Bắc Kạn mà còn là thực trạng tại nhiều địa phương.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, Nguyễn Quang Thanh, sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập đã có những tác động tiêu cực, làm mai một văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Một số lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng ít được bà con quan tâm như các lễ hội liên quan đến nông nghiệp; lễ tôn thờ thần rừng, thần núi, thần sông… Nhà ở của đồng bào cũng không còn kiểu nhà sàn mà hầu hết làm bằng gạch, ngói, giống nhà của người Kinh. Y phục dân tộc cũng không còn trong đời sống thường ngày của người dân. Một số nhạc cụ dân tộc cũng đang mai một.
BàChuThùy Liên - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết thêm: “Nguy cơ mai một văn hóa dân tộc thiểu số ở Điện Biên đang rất lớn. Nguy cơ đó vừa từ sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa do đồng bào kết hôn khác dân tộc nhiều. Trong một gia đình đồng bào ở Điện Biên giờ có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: con trai là người Thái, con dâu là người Mông, con rể là người Kinh… nên việc bảo tồn ngôn ngữ, trang phục dân tộc, phong tục truyền thống rất khó”.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Nhiều đại diện cho rằng việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng dân tộc thiểu số cần linh hoạt và sáng tạo theo đặc tính, tập quán của từng địa phương. Là một trong những người góp phần nhận diện văn hóa Chăm trên đất Phú Yên qua việc xuất bản hơn 17 đầu sách viết về văn hóa Chăm, Ê Đê, Ba Na, nghệ nhân Ka Sô Liễng lấy ví dụ: “Sách tôi viết có cuốn dày hàng nghìn trang, thế nhưng đồng bào không đọc. Do đó, tôi phải biên soạn lại thành những cuốn nhỏ bằng bàn tay hoặc mỏng vài chục trang. Nhờ đó mà đồng bào tiếp cận dễ hơn”.
Đối với kho di sản bằng sách, việc lưu giữ cần có sự vào cuộc của người dân. “Lưu những di cảo, di sản cá nhân về văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số chắc chưa ai nghĩ đến. Nếu có chủ trương cũng không có tiền để làm, bởi nó cần nguồn kinh phí lớn để sưu tầm vốn cũ và lưu giữ cho các thế hệ sau. Chỉ một mình Nhà nước không thể lưu giữ hết di sản khổng lồ này. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thành lập bảo tàng tư nhân để cùng Nhà nước bảo tồn” - Hội viên Hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam Lê Tuấn Lộc đề xuất.
Ngoài ra, nâng cao nhận thức văn hóa cũng cần được xem trọng. Ngày xưa đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn hơn ngày nay mà người ta có nghĩ đến việc bán cồng chiêng đâu, bởi họ nhận thức rằng cồng chiêng là di sản thiêng liêng, hồn chiêng là vô giá. Tín ngưỡng như một nhân tố giúp giữ lại. Còn ngày nay, vật thể này chỉ còn trơ cái vỏ vật chất, nên người ta dễ dàng bán đi. Do đó, giải pháp thay thế cho “chỗ trống” nhận thức do tín ngưỡng để lại đó chính là tăng cường nhận thức về văn hóa di sản, đặc biệt là đối với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Chính họ sẽ là những người tiên phong, kịp thời nhận diện giá trị cốt lõi của di sản, từ đó đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp.
ThS. Phan Đình Dũng, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh: Giáo dục và khai thác tiềm năng di sản văn hóa dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển là hướng đi tích cực cho công tác quản lý di sản văn hóa. Trên mọi bình diện, bất kỳ loại hình di sản văn hóa nào khi được khai thác để phát triển, hay giáo dục đều phải chú tâm đến hiệu quả và đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân tại chỗ. Nếu người dân tại địa phương không tôn trọng, không thấy được trách nhiệm của mình đối với di sản văn hóa của thì công tác bảo tồn khó hiệu quả, giáo dục cũng chỉ là hình thức.
Đại biểu nhân dân