374
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 12/12/2014 09:01
Bảo tồn hiện trạng, gia cố để giữ chức năng cầu Long Biên
Sáng 10.12, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức tọa đàm Cầu Long Biên - giải pháp nào gắn bảo tồn với phát triển. Các chuyên gia thống nhất bảo tồn hiện trạng cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, biểu tượng mang tính văn hóa - nghệ thuật của Thủ đô, nhưng cũng cần giữ chức năng của cây cầu.

Cầu Long Biên được đưa vào sử dụng từ năm 1903, gồm 19 nhịp, tổng chiều dài gần 2.400m, với các dầm thép chịu lực. Cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam. Sau hơn 100 năm, theo kết quả một nghiên cứu thực hiện năm 2004 do Pháp tài trợ, các trục đỡ của cầu Long Biên không cần sự can thiệp lớn, mà chỉ cần kiên cố các cột trụ phụ, tăng cường bảo vệ chống sự xói mòn với một số cột trụ và nâng cao một số trục. Hiện Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên đang xây dựng dự án Bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên. Theo đó, việc cải tạo cầu Long Biên sẽ theo hướng phát huy giá trị mang tính lịch sử và biểu tượng của cây cầu. Trong đó, cầu Long Biên sẽ là cầu bảo tàng và giao thông xanh; đường tàu hỏa trên phố Gầm Cầu - Phùng Hưng trở thành phố nghề nghệ thuật, vườn treo; bãi giữa sông Hồng biến thành công viên nghệ thuật; tháp nước Hàng Đậu là bảo tàng cổ vật; phía đầu cầu Gia Lâm sẽ có Tháp Sen - bảo tàng nghệ thuật…

 

Theo nguyên Giám đốc Sở Kiến trúc - Quy hoạch Hà Nội Tô Anh Tuấn: nếu thực hiện được những ý tưởng trên sẽ đóng góp thêm công trình văn hóa, nghệ thuật độc đáo cho Hà Nội. Nhưng, ý tưởng cần thực tế, tính toán cụ thể và cân bằng giữa cái được và cái mất. Cầu Long Biên đến thời điểm này và trong các quy hoạch vẫn đang là một công trình giao thông, mang những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Nếu thực hiện những ý tưởng trên, chức năng giao thông khó có thể bảo đảm. Bên cạnh đó, phần cầu sắt vượt sông và phần cầu dẫn trên cạn có giá trị sử dụng khác nhau. Đường sắt có thể không qua cầu Long Biên, nhưng phần cầu dẫn vẫn cần sử dụng. Hàng ngày có hàng chục chuyến tàu đi qua, có thể làm phố nghề nghệ thuật và vườn treo dưới vòm cầu hay không? Đó là chưa kể Hà Nội có nhiều bảo tàng xây dựng quy mô, nhưng giá trị phục vụ cộng đồng, tác động với xã hội hạn chế. Do vậy, cần cân nhắc ý tưởng xây dựng bảo tàng trên cầu Long Biên cũng như những địa điểm xung quanh. Về bãi giữa sông Hồng, nên hạn chế các công trình để giữ phần xanh, cái mà Hà Nội đang thiếu.

Nguồn: disanxanh.vn

 

Ông Phạm Đình Việt, Trường ĐH Xây dựng nêu quan điểm: khi bảo tồn cầu Long Biên, phải bảo tồn được chức năng, giá trị nguyên gốc là giao thông, nối hai bờ sông Hồng, giữa quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên của Hà Nội. Nhưng do cây cầu đã bị xuống cấp, có thể không cho xe tải trọng lớn lưu thông trên cầu, chỉ dành cho xe thô sơ, đi bộ. Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) băn khoăn: nếu chỉ sử dụng cầu Long Biên cho người đi bộ và phương tiện thô sơ sẽ gây lãng phí, trong khi nhu cầu kết nối giao thông đô thị hai bên sông rất lớn và theo quy hoạch vẫn cần cây cầu này.

 

10 năm nay, bảo tồn cầu Long Biên chỉ tiến triển chút ít, việc công nhận cầu Long Biên là di tích hiện mới chuẩn bị làm hồ sơ. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, trước mắt phải đôn đốc việc bảo tồn cầu Long Biên. Khi bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên cần xem xét các quan điểm: không chỉ bảo tồn một di vật, mà phải bảo tồn cả không gian cảnh quan xung quanh; bảo tồn hình dáng, phong cách, vật liệu minh chứng đã qua các thời đại lịch sử; bảo tồn nhưng chấp nhận thích ứng với đời sống đương đại, hài hòa với tổng thể không gian xung quanh; phù hợp với quy hoạch đã được cơ sở pháp lý công nhận. Ts Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh: “Bảo tồn cầu Long Biên nguyên trạng hiện nay, đồng thời gia cố bền vững để giữ chức năng cầu. Đừng mang gánh nặng lớn khoác lên cầu Long Biên, bởi đây chỉ là một phần của quỹ di sản, không nhất thiết phải đem tất cả giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội lên cầu: làng nghề, vườn treo, nghệ thuật... Việc bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên cần căn cứ vào quy hoạch của Hà Nội để có hướng phù hợp. Nếu không, mọi ý tưởng, dự án sẽ chỉ nằm trên giấy”.

 

Người đại biểu nhân dân