Dậm chân tại chỗ
TP Hồ Chí Minh đang triển khai bảo tồn biệt thự cũ. Ông Ngô Quốc Hùng, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, việc bảo tồn gồm 4 giai đoạn: kiểm kê, phân loại, đưa ra quy chế quản lý, cơ chế chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Từ tháng 6 - 9.2015, triển khai giai đoạn đầu tiên - kiểm kê biệt thự cũ, từ đó phân loại, làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thực tế, vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc Pháp đã được TP Hồ Chí Minh đặt ra rất sớm. Chương trình hợp tác giữa TP Lyon (Pháp) và TP Hồ Chí Minh về bảo tồn di sản đã tổ chức 2 đợt kiểm kê vào 1993 và 2013. Nhưng theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh: “một trong những lý do công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP Hồ Chí Minh trong thời gian dài thiếu hiệu quả, thậm chí dậm chân tại chỗ là do có khoảng trống giữa các chuyên gia mong muốn đóng góp về bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị và những người làm công tác chỉ đạo - quản lý lĩnh vực này. Chương trình bảo tồn đã khởi động nhiều lần nhưng không đạt kết quả, có danh sách di tích cần bảo tồn nhưng không được pháp lý hóa, nghiên cứu xong nghiệm thu rồi cất kho...”. Gần đây, với sự giúp đỡ tích cực của các chuyên gia trong và ngoài nước, Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được phê duyệt. Tuy vậy, PGS.TS. Nguyễn Trọng Hòa chia sẻ: “Ở các quận trung tâm, tôi cảm giác như mỗi ngày một biệt thự bị phá dỡ, thay vào đó là một tòa nhà cao tầng”.
Còn theo kiến trúc sư Trần Đức Lộc - Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc - Sở Xây dựng Lâm Đồng: chính quyền địa phương đang rất cần các nhà khoa học cùng thẩm định, khẳng định giá trị đích thực đối với quỹ di sản kiến trúc Pháp nói chung và kiến trúc biệt thự Pháp nói riêng tại Đà Lạt. Đà Lạt cũng đang cần các bộ, ngành, Trung ương, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xác định tiêu chí công nhận Đà Lạt là Thành phố di sản kiến trúc Pháp, tiến tới có chương trình, hành động tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của kiến trúc Pháp tại Đà Lạt.
Tại Hà Nội, các biệt thự từ thời Pháp thuộc cũng là chủ đề nhiều lần được giới kiến trúc đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc bảo tồn các công trình này khá phức tạp và chưa có nhiều kết quả.
Chính sách chứ không phải giải pháp kiến trúc, quy hoạch
Với di sản kiến trúc thuộc địa Pháp ở Việt Nam hiện nay, khả thi nhất là bảo tồn bằng tư liệu, còn bảo tồn thực tế thì éo le và không khả thi - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định. Giới chuyên môn hình như chưa làm rõ khái niệm kiến trúc là di sản hay di tích. Các địa phương cứ chờ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích, rồi mới bảo tồn, nhưng làm sao có thể công nhận hết được? Các công trình thời Pháp thuộc có giá trị về kiến trúc, cảnh quan đô thị, là “quỹ tài sản kiến trúc đô thị”; trong đó, chỉ số ít là di tích, như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội... Nếu là di tích sẽ bảo tồn nguyên trạng, trong khi các công trình này phải được cải tạo, sử dụng, là di sản sống. Thực tế, nhiều biệt thự cần được duy trì, không bởi sự công nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà bằng cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, thành phố. Các địa phương này cần có danh sách công trình kiến trúc đô thị có giá trị, lập danh mục, đưa lên bản đồ và thiết lập các chế độ khác nhau để sử dụng, cải tạo, không thể đối xử hết như di tích. Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Dự án hợp tác Phát triển đô thị Hà Nội - Ile-de-France (IMV) Emmanuel Cerise cho rằng, tác nhân địa phương rất quan trọng trong bảo tồn di sản. Thực tế ở Pháp, chính quyền địa phương đóng vai trò thiết yếu, hoạt động hiệu quả nhất ở lĩnh vực này.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh thêm: “việc duy trì quỹ kiến trúc Pháp hầu như bất khả thi còn bởi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, phần lớn các công trình đều có sự xáo trộn về chủ sở hữu”. Ví dụ, hàng trăm biệt thự ở Hà Nội đã trở thành nhà tập thể, là nơi nhiều cơ quan sử dụng. Nếu giải tỏa biệt thự ấy, phải giải quyết nhà ở cho hàng chục hộ gia đình. Hơn nữa, sau khi giải tỏa, người đầu tư vài chục, vài trăm tỷ đồng ấy lại không thể cải tạo theo ý họ, mà phải sử dụng nguyên trạng, vậy ai sẽ bỏ tiền ra? “Muốn di sản kiến trúc Pháp tồn tại, khả thi nhất là giải quyết từ thực trạng sở hữu. Do đó, chính sách về sở hữu, cải tạo và sử dụng các công trình kiến trúc Pháp là nút thắt quan trọng nhất, chứ không phải giải pháp cụ thể về kiến trúc hay quy hoạch. Trong điều kiện chưa thể làm được điều đó, các địa phương nên cố gắng duy trì vai trò kiến trúc Pháp thời thuộc địa trong diện mạo chung đô thị”
Người đại biểu nhân dân