415
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 15/10/2015 08:23
Bảo quản và phục chế tranh trên giấy: Phòng hơn chống
Chất liệu giấy mong manh và dễ bị hư hại bởi thời gian, khí hậu. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, ngăn ngừa hư hại tác phẩm nghệ thuật trên giấy phải là công việc thường xuyên, hằng ngày. Nếu đến khi hư hại mới nghĩ tới phục chế thì sẽ rất tốn kém, và không thể đưa tác phẩm trở về như ban đầu.
Hướng dẫn bảo quản tranh trên giấy

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Phan Văn Tiến: Giấy là chất liệu có tuổi thọ không cao, đặc biệt trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Môi trường nhiệt độ cao, khắc nghiệt làm cho chất liệu giấy xuống cấp nhanh, giấy có độ axit cao qua thời gian sẽ bị giòn. Hơn nữa, công tác bảo quản mới chỉ được quan tâm vài năm gần đây, nên số lượng tác phẩm sáng tác từ lâu đang bị xuống cấp khá lớn. Bên cạnh khí hậu, điều kiện bảo quản kém, còn có nguyên nhân chủ quan như thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật bảo quản, ý thức bảo vệ. Có tác phẩm quý nhưng bị gãy do gấp 3 - 4 lần. Có tác phẩm lâu ngày bị rách, ở thời kỳ phục chế kém chuyên nghiệp, người ta đã dùng băng dính trong để dán, giờ rất khó bóc. Một số tranh màu goát xưa cuộn lại, nay bị vỡ màu; mối mọt, nhện bám trên mặt tranh... 


Hiện nay, sưu tập tác phẩm trên chất liệu giấy mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ có nhiều loại chất liệu: vẽ trên giấy bằng màu nước, in khắc, thuộc nhiều loại hình: hội họa, đồ họa, áp phích… với gần 5.000 tác phẩm. Trong số này, tranh mới vẽ gần đây được bảo quản trong điều kiện tốt hơn, nhưng tác phẩm được vẽ nhiều năm trước bị mối mọt, nấm mốc, giấy hư hại, các chất liệu vẽ trên đó cũng tự vỡ ra, công tác bảo quản hết sức khó khăn, cần được phục chế, tu sửa.

Nằm trong chuỗi chương trình về phục chế tác phẩm nghệ thuật, từ ngày 5 - 9.10 vừa qua, Viện Goethe và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức tập huấn phục chế tranh và tài liệu trên giấy, do TS. Andrea Pataki - Hundt (Viện Mỹ thuật tạo hình quốc gia Stuttgart) và chuyên gia phục chế Ines Jesche (Cục lưu trữ quốc gia tại Thụy Sĩ) giảng dạy. TS. Andrea Pataki - Hundt cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu về môi trường tại Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, cũng như kho của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và thấy rằng, hệ thống tủ, điều hòa nhiệt độ tốt, đã ngăn được ánh sáng mặt trời chiếu vào làm ảnh hưởng tới tranh - vốn rất khó khắc phục… Tuy nhiên, tồn tại nhỏ là có côn trùng ăn bề mặt giấy, cần kiểm tra thường xuyên để loại bỏ. Công tác vệ sinh, bộ lọc không khí cũng quan trọng để kho không có nấm, bụi. Thực tế, nấm mốc là vấn đề không chỉ ở châu Á, mà châu Âu cũng phải ứng phó. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải phòng ngừa nấm. Tôi cũng đã được xem những tác phẩm được bảo quản 40 - 50 năm trong Bảo tàng, một số tác phẩm bị nấm mốc, đã xuống cấp, và cần rất nhiều thời gian phục chế”.

Chuyên gia Ines Jech - Trưởng phòng phụ trách vấn đề ngăn ngừa và phục chế Trung tâm lưu trữ quốc gia Zurich nhấn mạnh: Bảo tàng cần đề cao việc ngăn ngừa hư hại, và làm càng sớm càng tốt, bởi đến khi có hư hại, phục chế sẽ tốn kém. Việc bảo quản, lưu trữ nhiều khi không quá khó thực hiện, như tạo ra vòng đối lưu giúp không khí lưu thông, không tạo ra nấm mốc; lưu trữ tác phẩm nghệ thuật phải có hộp riêng để bảo quản trong thời gian dài; không kê tủ chứa sát tường làm đọng hơi nước; cũng cần tính tới các biện pháp ngăn ngừa lũ lụt, hỏa hoạn, động đất, sạt lở, các tác nhân gây hại cố ý từ con người… 

Đợt tập huấn là một trong những bước đầu để có phương thức giải quyết với tác phẩm chất liệu trên giấy, và hướng tới xây dựng Trung tâm Bảo quản phục chế cấp quốc gia. Viện trưởng Viện Goethe TS. Almuth Meyer-Zollitsch cho biết: “Sắp tới, Viện Goethe sẽ mời chuyên gia về khí hậu tại Đại học Mỹ thuậtDresden sang ViệtNam để nghiên cứu và hướng dẫn phương thức bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật ViệtNam”.

 

Người đại biểu nhân dân