Hòa mình vào cuộc sống, đấu tranh của giai cấp vô sản, vừa lao động, quan sát, học tập trong thực tế vô cùng phong phú, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã có lựa chọn đúng đắn về con đường cứu nước, cứu dân, đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, phù hợp xu thế phát triển của thời đại. Hành trình qua 3 đại dương, 4 lục địa và gần 30 quốc gia đầy gian khổ này đã được thể hiện chân thực và sinh động trong triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật, triển lãm giúp người xem hiểu rõ hơn những ngày gian khó, hiểm nguy trong hành trình cứu nước vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với điểm nhấn tập trung ở phần 1 mang chủ đề Cuộc hành trình vĩ đại, công chúng được xem lại những quyển sách thấm nhuần tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mạng”… hay những hình ảnh bôn ba của Người tại Pháp, Anh, Liên Xô, Trung Quốc… trong thời gian tìm đường cứu nước như: hình ảnh Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ 18, Đảng xã hội Pháp, thành phố Tours, tháng 12.1920; hình ảnh Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tại khách sạn Carlton, London, Anh năm 1941 hay chiếc chăn bông Nguyễn Ái Quốc đã dùng trong thời gian làm việc tại văn phòng Bát Lộ Quân, Quế Lâm, Trung Quốc từ năm 1938 - 1940…
Theo quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Thúy Đức, trong hành trình vòng quanh thế giới, hành trang Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang theo là lòng yêu nước, truyền thống tự tôn dân tộc. Qua nhiều nước, vòng quanh châu Á, châu Phi, Mỹ Latin, Người nhận thức rằng con đường giải phóng dân tộc là con đường theo chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp phong trào giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và giải phóng nhân dân lao động. “Những sự kiện, hoạt động được phản ánh trong triển lãm như những nét chấm phá về bước chuyển của Nguyễn Ái Quốc trong nhận thức về con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam”.
Một trong những nơi in dấu ấn đậm nét trong hành trình này là căn phòng 9m2 tại số 9, ngõ Compoint, Q17,Paris, Pháp, được tái hiện tại triển lãm. Từ tháng 7.1921, Người đã ở đây để viết báo. Cũng từ căn phòng này Người gửi Bản yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam đến Hội nghị hòa bìnhVersailles, trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người Cộng sản đầu tiên của ViệtNam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Thư cho biết, góc triển lãm tái hiện căn nhà số 9, ngõ Compoint thực ra đã rất quen thuộc với nhiều người ViệtNam. Chỉ với những vật dụng sinh hoạt giản dị như chiếc tủ đựng quần áo bằng gỗ tạp, chiếc giường đơn, “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả mùa băng giá” (Chế Lan Viên), bất cứ ai cũng đủ hình dung về cuộc sống khó khăn, gian khổ của Bác nơi đất khách quê người. Đầu năm 1968, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn tới thăm đã xúc động viết: Ngày nào lạnh lẽo phố Compoint/ Ngõ nhỏ buồng con, Bác một mình/ Cuộc sống đi về coi chật hẹp/ Mà lòng “Ái Quốc” rộng mông mênh.
Trong hành trình gian khổ và vĩ đại ấy, không phút giây nào Chủ tịch Hồ Chí Minh không nghĩ về Tổ quốc của mình. Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Thư, “những ngày tại Pháp chính là sự khởi đầu của quá trình Bác Hồ tiếp thu được chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính ở nơi này, Người tìm ra con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho nhân dân ViệtNam. Đó là, chỉ có giải phóng được giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”.
Đại biểu nhân dân