Chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên, chỉ nhìn vào một vài trường hợp, có thể thấy hiện tượng chảy máu di sản văn hóa vật thể của nước ta không hề nhỏ. Đơn cử, ngày 5.7.1885, khi tấn công vào Kinh đô Huế, quân đội Pháp đã “vơ vét” rất nhiều hiện vật quý báu ở đây, linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự kiện này ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc, 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ… tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng… đều bị lấy đi”. Vấn đề là sau bao nhiêu năm, những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa này vẫn một đi không trở lại. Thậm chí, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết, mặc dù biết chắc nhiều hiện vật đang ở đâu nhưng câu chuyện đưa về Việt Nam thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiện nước ta có 148 bảo tàng, 3.308 di tích quốc gia, 7.500 di tích cấp tỉnh, thành phố. Số lượng cổ vật đã được kiểm kê, vào sổ để quản lý là khoảng 3 triệu hiện vật. Tuy nhiên, con số này chưa nói lên được đầy đủ các giá trị tài sản văn hóa của ViệtNam, chưa thể hiện được sự “an toàn” của các di sản văn hóa ViệtNam. Bởi, tình trạng khai quật, buôn bán di sản văn hóa trái phép vẫn là “con sóng ngầm” rình rập, đe dọa di sản. Ông Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý Di tích, Cục Di sản văn hóa nhận định, việc di sản Việt Nam tiếp tục bị “tuồn” ra nước ngoài không còn là nguy cơ mà hiển hiện trước mắt: “Tình trạng đào bới, lấy cắp và xuất khẩu trái phép cổ vật vẫn diễn ra, thậm chí có nhiều vụ phát hiện cùng lúc hàng trăm cổ vật xuất ngoại trái phép. Thực trạng thất thoát cổ vật ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến nay do một số nguyên nhân như chiến tranh (Huế, Mỹ Sơn, Thăng Long…), đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong các di tích như đình, đền, chùa, miếu mạo… để mua bán ở trong nước cũng như xuất khẩu trái phép ra nước ngoài.”
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Không thể phủ nhận, những năm qua Cục Di sản văn hóa cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có nhiều nỗ lực bảo vệ di sản vật thể. Nhiều hội cổ vật, trung tâm nghiên cứu bảo tồn cổ vật ra đời; nhiều sưu tập cổ vật tư nhân đã được huy động để trưng bày ở các bảo tàng; chính quyền và nhân dân địa phương ngày càng chú ý tới việc bảo vệ cổ vật trong các di tích và di chỉ khảo cổ học. Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống nạn buôn bán trái phép di sản văn hóa cần có cái “bắt tay” mang tầm quốc tế. Theo các chuyên gia, sự hợp tác không nhất thiết phải là với tất cả các nước, đó có thể là hợp tác song phương, hợp tác nhóm, miễn là bảo đảm nguyên tắc tôn trọng mục đích chung trong nhiệm vụ bảo tồn di sản. Ông Edouard Planche, Thư ký Công ước 1970 của UNESCO chỉ ra rằng, đối với khu vực Đông Nam Á, việc hợp tác để cùng bảo vệ di sản văn hóa rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN. “Một quốc gia đơn lẻ không thể đạt được hiệu quả trong việc chống lại tội phạm văn hóa xuyên quốc gia. Chỉ có sự hợp tác quốc tế với những nỗ lực chung mới có thể bảo vệ, gìn giữ được các di sản văn hóa vật thể của từng nước, nhất là những nước dễ bị tổn thương”.
Tại hội thảo tập huấn “Nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa: Ngăn chặn, hợp tác và thu hồi/hoàn trả”, đại diện nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines… cho hay, Chính phủ các quốc gia này đang hợp tác chặt chẽ với nhiều nước trong các lĩnh vực như bảo tàng, công an và hải quan, lưu trữ và thư viện, những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và buôn bán các sản phẩm nghệ thuật, liên kết khóa tập huấn đa quốc gia, đại diện các cơ quan thực thi pháp luật về di sản văn hóa… Đối với Việt Nam, khi công tác kiểm kê, giám định hiện vật còn lúng túng; việc xây dựng chương trình quản lý để các bảo tàng, khu di tích truy cập thông tin đang trong quá trình thử nghiệm; sự liên kết, trao đổi thông tin từ cơ quan Trung ương đến địa phương chưa thực sự chặt chẽ; việc hồi hương hiện vật Việt Nam ở nước ngoài phần lớn nhờ hảo tâm của Việt Kiều hay một số bảo tàng đấu giá mang về… thì yêu cầu hợp tác, tham gia vào mạng lưới quốc tế được đặt ra cấp thiết, nhằm ngăn chặn những mất mát di sản khó có thể đảo ngược trong dài hạn.
Ngày 14.11.1970, tại Kỳ họp thứ 16 của Đại hội đồng UNESCO, Công ước về các biện pháp ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa (Công ước 1970) được ký kết. Tiếp đến, ngày 24.5.1995, tại Rome (Italy), Công ước UNIDROIT (Công ước 1995) về di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp hoặc buôn bán trái phép ra nước ngoài chính thức ra đời. Các quốc gia tham gia Công ước được hưởng rất nhiều lợi ích liên quan đến việc xác định, bảo vệ, hồi hương, quảng bá hiện vật ở tầm quốc tế cũng như được hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, bảo tồn di sản. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 1970 và đang cân nhắc phê chuẩn Công ước 1995.
Đại biểu nhân dân