459
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 18/09/2014 08:54
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Cần một phản ứng quốc tế đặc biệt để chống dịch Ebola
Trong bối cảnh dịch bệnh Ebola đang tiếp tục lây lan nhanh chóng tại Tây Phi, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 16/9, tuyên bố nêu rõ cần một phản ứng quốc tế đặc biệt cho cuộc khủng hoảng tăng theo cấp số nhân này, những yêu cầu được đánh giá ở mức gần 1 tỷ USD.
Nhân viên y tế đang tẩy sạch một xe taxi bên ngoài trung tâm điều trị Ebola ở Liberia (Ảnh: WHO)

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết: “Những đóng góp hào phóng được công bố mỗi ngày nhưng chúng ta đang có quá nhiều việc phải làm để cung cấp các dịch vụ y tế, thực phẩm, nước, vệ sinh môi trường và trang thiết bị cần thiết". “Chúng ta không thể để cho những lệnh cấm liên quan đến di chuyển và vận tải làm chúng ta chậm lại. Chúng ta cần phải cách ly những người bị ảnh hưởng bởi Ebola, chứ không phải các quốc gia đang đấu tranh để vượt qua đại dịch" – ông nói thêm.

Trong những ngày gần đây, dịch bệnh Ebola tiếp tục lan rộng tại Tây Phi với gần 5.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.400 ca tử vong ở Guinea, Liberia, Nigeria, Senegal và Sierra Leone. Khoảng 60 – 70% số người bị nhiễm bệnh không thể sống sót.

 

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, "đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế. Dịch bệnh này có hậu quả nhân đạo, kinh tế và xã hội nghiêm trọng, có thể lan rộng ra ngoài các nước bị ảnh hưởng".

Chính vì vậy, "chúng ta cần phải là táo bạo và dũng cảm như những người đang chiến đấu trên tuyến đầu của dịch bệnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tự huy động – và đó là lý do tại sao Liên hợp quốc sẽ là trung tâm can thiệp trong cuộc chiến chống đại dịch này. Ebola là một cuộc khủng hoảng theo cấp số nhân, đòi hỏi một phản ứng toàn cầu đặc biệt."

Tổng thư ký nhắc lại rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 18/9 về Ebola, trong đó Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Margaret Chan và chính ông sẽ trình bày các chương trình hành động quốc tế để ứng phó với mối đe dọa này.

Tuần tới, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng sẽ tổ chức một cuộc họp cấp cao về những nhu cầu của người dân và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Ebola.

Trong khi đó, ngày 16/9, tại Geneva, Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo cũng đã công bố một tài liệu liệt kê các dịch vụ, vật tư và các yêu cầu cần thiết khác để đối phó với dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Các yêu cầu với tổng giá trị 987,8 triệu USD để trang trải các hoạt động hỗ trợ cho 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất (Guinea, Liberia và Sierra Leone) trong 6 tháng.

Điều phối viên của Liên hợp quốc về virus Ebola, Tiến sĩ David Nabarro tuyên bố cho biết: "Cuộc khủng hoảng Ebola là chưa từng có. Nó đòi hỏi một phản ứng quốc tế đặc biệt để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và các mối đe dọa rộng lớn hơn về chính trị, kinh tế và xã hội trong các nước bị ảnh hưởng”.

Bên cạnh đó, “một số lượng ngày càng tăng của các đối tác quốc tế cùng tập hợp trong Liên minh thế giới chống lại Ebola. Họ sẽ giúp thực hiện các biện pháp quan trọng và hỗ trợ một phản ứng an toàn và nghiêm ngặt ở cấp quốc gia và quốc tế" – Tiến sĩ Nabarro nói thêm. Liên minh bao gồm các cơ quan chức năng của các quốc gia bị ảnh hưởng và các quốc gia có nguy cơ, đại diện của xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức đa phương, các tổ chức tài chính quốc tế và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Tài liệu có tựa đề "Tổng quan về các nhu cầu và yêu cầu” đã được giới thiệu tới các nước thành viên, trong đó có các nước bị ảnh hưởng, và đi xa hơn nữa là sự cần thiết phải xử lý, giám sát và ngăn chặn virus Ebola. Tài liệu bao gồm các biện pháp để giải quyết những nhu cầu nhân đạo không liên quan trực tiếp đến Ebola, và đã bị trầm trọng hơn do dịch bệnh.

Về phần mình, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo Valerie Amos tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ các chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác khác cho nhữn nỗ lực của họ về y tế, và trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và bảo vệ".

Tại Tây Phi, hơn 22 triệu người sinh sống ở những khu vực có báo cáo lây nhiễm Ebola.

"Lộ trình của WHO, đã được công bố vào cuối tháng 8, trình bày những gì chúng ta phải làm để ngăn chặn virus Ebola. Nhưng sẽ cần nhiều hơn một kế hoạch để chấm dứt virus Ebola.Camkết mạnh mẽ được các đối tác của Liên hợp quốc và các nước thành viên thực hiện là cần thiết để đánh bại vi rút này. Và đó là một cam kết thực sự của các nhà lãnh đạo thế giới, những người sẽ tạo ra khác biệt" – Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Bruce Aylward nhấn mạnh.

Ngoài ra, WHO cũng hoan nghênh quyết định của chính phủ Trung Quốc gửi một nhóm phòng thí nghiệm di động tới Sierra Leone để tăng cường khả năng xét nghiệm phân tích Ebola tại quốc gia này. Đóng góp của Trung Quốc sau lời kêu gọi của WHO mở rộng hỗ trợ cho các nỗ lực chiến đấu chống lại Ebola ở châu Phi và yêu cầu do chính phủ Sierra Leone đưa ra.

"Những gì chúng ta còn thiếu nhất trong hành động chống lại Ebola, đó là nhân viên y tế" – Tiến sĩ Margaret Chan cho biết. "Nhóm công tác mới sẽ gia nhập vào đội ngũ 115 các nhân viên y tế của Trung Quốc có mặt ởGuinea,LiberiavàSierra Leone. Đó là một sự cứu trợ tuyệt vời, cả về mặt đạo đức và hoạt động".

Bên cạnh đó, tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Ebola thông qua chiến dịch cử 3.000 nhân viên quân y tới Tây Phi giúp đỡ huấn luyện sâu rộng về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh ở khu vực trên.

Cũng trong ngày 16/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) lên tiếng kêu gọi viện trợ ngay lập tức 200 triệu USD để ứng phó với dịch bệnh Ebola. Theo UNICEF, khoảng 8,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Trong số 200 triệu USD cần khẩn cấp này, khoảng 65 triệu USD sẽ dành cho các chương trình của UNICEF tại Liberia, 61 triệu USD dành cho Sierra Leone và hơn 55 triệu USD dành cho Guinea. Số tiền gần 10 triệu USD còn lại được dùng để giúp các nước láng giềng chuẩn bị phương án ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh./.

 

(ĐCSVN)