489
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 12/10/2021 08:11
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù với Tp Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế
Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất chính sách đặc thù hình thành khu thương mại tự do đối với Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: VPQH)

Tạo đột phá về kinh tế, giúp các địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng

Trình bày báo cáo tóm tắt các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ba địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm: bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp, tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ba địa phương; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã k‎ý kết.

Các dự thảo Nghị quyết chỉ tập trung quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của ba địa phương thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác với quy định hiện hành; phù hợp với bối cảnh thực tiễn của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố khác trong cả nước; đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND địa phương. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của ba địa phương, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhất trí ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Về thẩm quyền, căn cứ quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là đúng thẩm quyền. Về hồ sơ trình, Thường trực Ủy ban Tài chính -  Ngân sách nhận thấy, hồ sơ các dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. Về các đề xuất cơ chế đặc thù đối với ba địa phương, cơ bản các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các đề xuất trong các dự thảo Nghị quyết nhằm tạo đột phá về kinh tế, giúp các địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng.

Nghiên cứu thận trọng đề xuất hình thành Khu thương mại tự do tại Hải Phòng 

Một trong những nội dung đáng chú ý được thảo luận tại phiên họp là đề xuất chính sách đặc thù hình thành khu thương mại tự do đối với Hải Phòng. 

Cụ thể, tại dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Chính phủ đề xuất tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng trên cơ sở đánh giá, phân tích mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đánh giá đề xuất này của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và TP Hải Phòng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về một số khía cạnh cần được nghiên cứu thận trọng hơn. Theo đó, căn cứ vào quy định của hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định về mô hình Khu thương mại tự do. Hiện mới chỉ có mô hình Khu công nghiệp, Khu kinh tế mở, Khu chế xuất…. Trong khi đó, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH 

Mặt khác, để bảo đảm tính khả thi, thuyết phục, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự thành công của mô hình là nguồn lực thực hiện, trong đó có nguồn lực rất lớn phải đầu tư cho kết cấu hạ tầng, song Tờ trình chưa đánh giá và đề xuất phương án tài chính. Đồng thời, đối chiếu với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018 cho thấy có nhiều điểm tương đồng về dự kiến đề xuất chính sách (đất đai, mô hình tổ chức, cơ chế tài chính) và tại thời điểm đó nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri đã đề nghị tạm dừng việc thông qua dự án Luật. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ chế, chính sách đặc thù này vì đây là vấn đề rất lớn và rất mới, chưa từng được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cân nhắc kỹ hơn đề xuất này vì việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng./.


ĐCSVN