441
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 03/11/2014 08:49
Thế giới tuần qua: Tiếp tục nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh Ebola
Những diễn biến xung quanh cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn của Ukraine, tình hình dịch bệnh Ebola và các nỗ lực trong phòng chống sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này... tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế tuần qua (từ ngày 27/10 - 2/11).
Các đại diện Nga, EU và Ukraineký kết thỏa thuận nối lại nguồn cung khí đốt từ Nga sangUkraine tạiBrussels (Bỉ). (Ảnh: AFP)
 

Diễn biến mới xung quanh tình hình Ukraine

 

* Một ngày sau khiUkrainetổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn, dư luận quốc tế đã có những đánh giá tích cực về tiến trình tổ chức bầu cử tại đây. Ngày 27/10, lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã hoan nghênh cuộc bầu cử "dân chủ" của nước này, coi đây là bước tiến lớn của đường lối cải cách hội nhập châu Âu và chờ đợi Ukraine sẽ mau chóng thành lập được chính phủ mới. Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng như Canadađều ghi nhận quá trình bỏ phiếu đã được tổ chức tốt, phù hợp với các quy định dân chủ quốc tế.

 

* Cũng trong ngày 27/10, trả lời báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đánh giá bầu cử quốc hội trước thời hạn tại Ukraine đã hoàn tất và mặc dù có nhiều vi phạm, song Nga sẵn sàng công nhận kết quả cuộc bầu cử này. Quan chức Moskva cũng hy vọng Quốc hội mới của Ukraine sẽ nhanh chóng thành lập được chính phủ mới, hướng tới đối thoại toàn dân tộc, thực thi các thỏa thuận đạt được tại Minsk (Belarus) để giải quyết xung đột trong nước, tiến tới cải cách hiến pháp như đã cam kết.

 

* Ngày 27/10, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho rằng kết quả bầu cử hiện đang nghiêng về chiến thắng của các đảng thân châu Âu cho thấy sự tin tưởng của người dân dành cho Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Arsenyi Yaseniuk. Cuộc bầu cử lần này là bước đi quan trọng hướng tới ổn định tình hình trong nước.

 

* Ngày 27/10, "Khối Poroshenko" cho biết đã bắt đầu xúc tiến các cuộc đối thoại với đảng "Mặt trận Nhân dân" nhằm tiến tới việc thành lập liên minh sau cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn.

 

* Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội (Verkhovna Rada) của Ukraine công bố chiều 28/10 cho thấy đảng của Tổng thống Petro Poroshenko đang tạm dẫn đầu về số ghế nghị sĩ trong Quốc hội, cho dù tỷ lệ phiếu bầu vẫn thấp hơn đảng của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk. Cuộc tổng tuyển cử ởUkrainecó sự tham gia của 29 chính đảng. Theo đó, một nửa trong tổng số 450 ghế của Quốc hộiUkraineđược bầu theo danh sách các chính đảng và nửa còn lại được bầu theo các khu vực. Chính vì vậy, nếu tính theo số ghế, đảng của Tổng thống Poroshenko đang tạm dẫn đầu về số ghế trong Quốc hội mới với 126 ghế; tiếp đến là Mặt trận Nhân dân - 85 ghế; đảng "Tự cứu" - 33; "Khối đối lập" - 30; Đảng Cấp tiến - 22; đảng "Đất mẹ" - 18; và 100 ghế thuộc về các ứng viên phi đảng phái.

 

* Ngày 28/10, đoàn xe chở hàng viện trợ thứ tư của Nga đã bắt đầu hành trình chuyển hàng nhân đạo tới các tỉnh miền Đông Nam Ukraine. Dự kiến, trong vòng một tuần, các chuyến hàng viện trợ sẽ được chuyển đến người dân tại các tỉnhDonetsk, Lugansk củaUkraine. Được biết, từ tháng 8 đến tháng 9/2014, Nga đã tiến hành 3 đợt phân phối hàng cứu trợ đến các tỉnh miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay Ukraine và phương Tây vẫn luôn nghi ngờ Nga sử dụng các đoàn xe nhân đạo làm "vỏ bọc" để cung cấp vũ khí cho lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Chính phủ Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời khẳng định các chuyến hàng viện trợ hoàn toàn mang mục đích nhân đạo.

 

* Ngày 28/10, thủ lĩnh của lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine ngày cho biết hơn 100 binh lính quân đội Ukraine bị bao vây gần hai tuần lễ trong một đồn kiểm soát số 32 nằm cách Lugansk 15 km về phía Tây và là nơi đóng quân của lữ đoàn 80 lính dù Ukraine đã được lực lượng này cho phép rút quân.

 

* Ngày 29/10, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác với Quốc hội mới của Ukraine vì lợi ích của 2 dân tộc và nhân dân hai nước. Theo bà Matviyenko, liên minh cầm quyền mới ởUkrainecần thực thi các chính sách hòa bình, phi bạo lực và cần nỗ lực không ngừng để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị hiện nay. Bà Matviyenko chỉ trích những chính khách Liên minh châu Âu (EU) muốn kéo dài các biện pháp trừng phạt chống Nga đến mùa Xuân tới, coi đó là hành động sức ép của phương Tây với Nga.

 

* Ngày 28/10, Ukraine đã chỉ trích lập trường được Kiev cho là “khiêu khích và không mang tính xây dựng” của Nga về các cuộc bầu cử tại hai Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 2/11. Tuyên bố trên được Ukraine đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng rằng các cuộc bầu cử tại hai Cộng hòa Nhân dân tự xưng tại miền Đông Ukraine sẽ diễn ra theo đúng thời điểm dự kiến và Moscow sẽ công nhận kết quả của các cuộc bầu cử này.

 

* Ngày 28/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng các cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc 1941-1945 và nhân dân Ukraine nhân dịp 70 năm ngày giải phóng đất nước này khỏi ách xâm lược của phát xít, trong đó nhà lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chặn đứng mọi âm mưu khôi phục tư tưởng phát xít cũng như làm sai lệch lịch sử của Nga và Ukraine.

 

* Ngày 30/10, quân độiUkrainecho biết ít nhất 7 binh sĩ thuộc lực lượng này đã thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong các cuộc giao tranh với lực lượng bán quân sự ở miền ĐôngUkraine. Đây là con số thương vong lớn nhất trong hơn 2 tuần qua ở vùng điểm nóng chiến sự này, bất chấp lệnh ngừng bắn đã đạt được giữa hai bên hôm 5/9 tạiMinsk(Belarus).

 

* Kết thúc vòng đàm phán khí đốt tại Brussels (Bỉ) vào rạng sáng ngày 31/10 (theo giờ Hà Nội), dưới vai trò trung gian của Ủy ban châu Âu (EC), Nga và Ukraine đã ký kết mọi văn kiện cần thiết liên quan tới việc nối lại nguồn cung khí đốt từ Nga sang nước láng giềng Ukraine. Báo chí Nga cho biết, các văn kiện được ký kết bao gồm một thỏa thuận cho phép nối lại nguồn cung khí đốt từ Nga sang thị trườngUkrainetừ nay cho tới tháng 3/2015 và một thỏa thuận bổ sung giữa Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Tập đoàn khí đốt Naftogaz củaUkraine.

 

* Ngày 31/10, Hãng thông tấn Nga Ria Novosti cho biết, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin vừa kêu gọi tất cả các bên xung đột tại Ukraine kiềm chế trước các “hành vi gây hấn và thiếu thận trọng” - có nguy cơ chôn vùi các nỗ lực tiến hành đối thoại chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Đông Âu này. Ông Churkin phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ: “Ukraine đang trải qua thời khắc rất khó khăn, đòi hỏi các hành động đúng đắn và cân bằng, cũng như các nỗ lực nhằm khuyến khích tất cả các phe phái xung đột tại Ukraine tiếp tục tiến trình đối thoại chính trị”.

 

Cộng đồng quốc tế nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh Ebola

 

 

Công tác chuẩn bị kiểm tra chống Ebola tại San Atonio, Texas(Mỹ)
(Ảnh: Reuters)

 

* Ngày 27/10, Mỹ đã điều chỉnh quy định liên bang đang có hiệu lực để kiểm soát các du khách đến từ những quốc gia bị tác động bởi dịch bệnh Ebola nhằm phát hiện các lây nhiễm có thể xảy ra. Theo đó, 6 tiểu bang (New York, Pennsylvania, Maryland, Virginia, New Jersey và Georgia), nơi có khoảng 70% số lượng du khách, bắt đầu các hình thức kiểm soát này ngay từ ngày 27/10. Các tiểu bang khác sẽ tiến hành theo trong những ngày tới.

 

* Ngày 27/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại xung quanh những hạn chế được áp dụng gần đây tại nhiều quốc gia và địa phương đối với những người đã đi đến các nước bị tác động bởi dịch bệnh Ebola.

 

* Ngày 28/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố hoan nghênh cơ quan quản lý dược phẩm của Thụy Sỹ (Swissmedic) đã bật đèn xanh cho các cuộc kiểm tra một loại vaccine thử nghiệm chống lại virus Ebola tại bệnh viện đại học Lausanne. Trong thông cáo báo chí được đưa ra, WHO cho biết: "Đây là bước cuối cùng để có thể cung cấp càng sớm càng tốt các liều vaccine an toàn và hiệu quả chống lại Ebola". Theo tổ chức này, việc bật đèn xanh cho các thử nghiệm “có nghĩa là vaccine có thể được sử dụng cho khoảng 120 người dân ởLausanne. Thử nghiệm này, nhận được sự hỗ trợ của WHO, là thử nghiệm mới nhất trong một loạt các kiểm tra đang được tiến hành ởMali, Anh, và Mỹ.

 

* Trong khuôn khổ chuyến thăm tới vùng Sừng châu Phi, ngày 28/10, tại Addis Ababa (Ethiopia), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết khu vực châu Phi để giúp Guinea, Liberia và Sierra Leone vượt qua những thách thức khi dịch bệnh Ebola đang hoành hành nghiêm trọng. Trong chuyến thăm lần này, cùng với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Nkosazana Dlamini-Zumaý để thảo luận về những nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

 

* Ngày 29/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố cho biết, tình trạng lây lan của virus Ebola tạiLiberiasẽ có thể chậm lại khi số người tử vong giảm và tỷ lệ người điều trị tại bệnh viện cũng như số ca nhiễm mới được ghi nhận cũng đã không còn gia tăng. Số liệu mới nhất của WHO công bố ngày 29/10 cho thấy tổng số các trường hợp lây nhiễm hiện nay đã vượt quá 13.000 và số người chết là hơn 5.000 người.

 

* Cũng trong ngày 29/10, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Accra (Ghana) với đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power, người đứng đầu Phái đoàn Liên hợp quốc hành động khẩn cấp chống lại Ebola (UNMEER) Anthony Banbury cho biết cộng đồng quốc tế đã huy động đáng kể về phương tiện, nguồn lực và nhân viên để hành động với các chính phủ và những nỗ lực này bắt đầu được đền đáp.

 

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng vẫn còn rất nghiêm trọng và cần thêm giường, các đội y tế, phòng khám, các đội phụ trách tang lễ và huy động cộng đồng.

 

* Ngày 29/10, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng dự báo rằngGuinea- một trong ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Ebola đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn lương thực ngày càng tăng do sự bùng phát dịch Ebola.

 

* Ngày 30/10, Ngân hàng Thế giới thông báo phối hợp cùng Liên hợp quốc tăng cường nỗ lực để trợ giúp cho các nhân viên y tế vốn đang phải vất vả đấu tranh chống lại dịch bệnh Ebola tại 3 quốc gia bị tác động nặng nề nhất ở Tây Phi. Theo đó, khoản tài chính 100 triệu USD tăng thêm sẽ được phân bổ để giúp đẩy nhanh việc triển khai các chuyên gia y tế nước ngoài tạiGuinea,LiberiavàSierra Leone. Khoản tiền này sẽ nâng tổng số đóng góp của Ngân hàng Thế giới lên 500 triệu USD.

 

* Cũng trong ngày 30/10, trong chuyến thăm đến Tây Phi, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đã tuyên bố nhấn mạnh một trong những điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải loại bỏ sự kỳ thị đối với những nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola. Theo bà, sự sợ hãi trước loại virus này chỉ cản trở những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

 

* Ngày 30/10, theo đề xuất của Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), tại thủ đô La Habana (Cuba) đã diễn ra Hội nghị của các chuyên gia y tế đại diện cho 34 quốc gia châu Mỹ để thông qua một loạt các biện pháp hành động nhằm phòng chống và ngăn chặn virus Ebola xâm nhập vào khu vực này.

 

* Ngày 31/10, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virusEbola,Canadathông báo nước này đã ngừng cấp thị thực cho công dân đến từ các quốc gia trong vùng dịch. Theo đó, Cơ quan nhập cưCanadasẽ không giải quyết đơn xin cấp thị thực của các cá nhân từng lưu trú tại một trong những quốc gia bị ảnh hưởng của dịch bệnh Ebola trong vòng 3 tháng trước khi xin thị thực. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng không cấp thị thực mới hoặc giải quyết đơn xin thị thực của công dân nước ngoài có ý định đến một quốc gia nằm trong vùng dịch.

 

Bạo lực, thiên tai, tai nạn liên tiếp xảy ra

 

* Ngày 28/10, một vụ sạt lở đất xảy ra tại khu vực quận Đông Xuyên, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã làm 9 người mất tích. Ngay lập tức đã có khoảng 400 nhân viên cứu trợ, 10 máy xúc, máy đào và 30 chiếc xe ô tô các loại cùng tham gia công việc tìm kiếm người mất tích và dọn dẹp đất đá tại hiện trường.

 

* Sáng ngày 29/10, tại thị trấn Haldummulla - miền Trung Sri Lanka đã xảy ra vụ lở đất khiến 16 người thiệt mạng cùng 63 ngôi nhà bị chôn vùi. Hiện vẫn còn khoảng 100 người bị chôn vùi dưới đống bùn đất, trong khi chỉ rất ít thi thể được tìm thấy tính đến tối 30/10. Ngay lập tức, các cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc đang cố gắng giúp nước này khắc phục hậu quả sau thiên tai. Hội Chữ thập đỏSri Lankađã huy động các đội cứu trợ đầu tiên. Tuy nhiên, cho đến ngày 31/10, công tác tìm kiếm người bị nạn vẫn buộc phải đình chỉ do mưa quá lớn có thể tiếp tục gây lở đất.

 

Quang cảnh sau vụ lở đất xảy ra ở thị trấn Haldummulla - miền Trung Sri Lanka
ngày 29/10 (Ảnh: AFP)

 

* Trong một thông báo đưa ra ngày 29/10, Văn phòng Tổng thống Pháp François Hollande cho biết một trung úy quân đội Pháp đã thiệt mạng và hai binh lính khác bị thương khi tham gia trấn áp một nhóm khủng bố có vũ trang tại vùng núi Tigharghar (Ti-ga-ga), miền Bắc Mali vào đêm 28/10. Được biết, từ tháng 1/2013, Pháp đã đưa quân tớiMaliđể truy quét những phần tử Hồi giáo cực đoan, trong đó có tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM).

 

* Nguồn tin an ninh Iraq cho biết các phần tử vũ trang thuộc lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hành quyết ít nhất 220 người Hồi giáo Sunni Iraq thuộc bộ lạc Albu Nimr để trả thù việc bộ lạc này chống lại IS chiếm vùng đất ở phía Tây thủ đô Baghdad hồi đầu tuần. Theo đó, hai ngôi mộ tập thể được tìm thấy ngày 30/10 với những nạn nhân là đàn ông tuổi từ 18 đến 55, bị bắn ở cự li gần. Nhân chứng cho biết các tay súng IS đã ra lệnh cho những người này rời làng tới Hit, cách thủ đô Baghdad khoảng 130km về phía Tây,với cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho chuyến đi nhưng sau đó chúng gom họ lại và hành quyết. Một ngôi mộ khác gần thành phố Ramadi cũng thuộc tỉnh Anbar chôn 150 thành viên của bộ lạc này.

 

* Truyền thông Mỹ ngày 31/10 cho biết, trong chuyến bay thử, tàu vũ trụ SpaceShipTwo (SS2) phục vụ mục đích du lịch không gian đã gặp sự cố ở sa mạc California, làm một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và một người bị thương nặng.

 

* Ngày 1/11, tại thị trấn Kikla miền Tây Libya đã xảy ra vụ tấn công làm 18 người thiệt mạng và 84 người bị thương.Vụ tấn công được tiến hành nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trấn Kikla sau hơn hai tuần rơi vào tay của liên minh các nhóm vũ trang đối lập mang tên "Bình minh Libya". Theo một chỉ huy giấu tên của "Bình minh Libya", vụ tấn công đã làm 18 người thiệt mạng và 84 người bị thương.

 

* Cũng trong ngày 1/11, tỉnh Lowgar ở miền ĐôngAfghanistanđã xảy ra một vụ đánh bom liều chết đẫm máu làm ít nhất 11 nhân viên an ninh thiệt mạng và hơn 20 dân thường đã bị thương. Trong số những người bị thương có 6 trẻ em. Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận thực hiện vụ tấn công.

 

Một số tin tức đáng chú ý khác

 

* Trong hai ngày 27 - 28/10 tại Jakarta, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Bộ Thương mại Indonesia đã phối hợp tổ chức Hội thảo nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của ASEAN. Sự kiện có sự tham gia của đại diện 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng vụ trưởng Hợp tác Quốc tế, Bộ Thương mại Indonesia Bachrul Chairi đã nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của hội thảo là nhằm tìm kiếm sự đột phá trong phương thức đàm phán về RCEP, làm cơ sở cho vòng đàm phán thứ sáu hiệp định thương mại khu vực này, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới tại Ấn Độ.

 

* Ngày 29/10, Liên minh vì Hòa bình và Dân chủ (APD) cho biết hơn một triệu ngườiHong Kong(Trung Quốc) đã ký vào đơn ủng hộ lực lượng cảnh sát của đặc khu hành chính này. APD bắt đầu tiến hành thu thập chữ ký của người dân Hong Kong từ hôm 25/10 để ủng hộ các nỗ lực thực thi pháp luật của lực lượng cảnh sát và khôi phục trật tự xã hội. Hoạt động này dự kiến sẽ kéo dài 9 ngày.

 

* Ngày 29/10, Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị tiến hành đối thoại cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 30/10 trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vẫn đang tranh cãi về các hoạt động thả truyền đơn qua khu vực biên giới Hàn Quốc. Các nhà phân tích của Hàn Quốc nhất trí cho rằng, những diễn biến gần đây cho thấy, hai miền Triều Tiên đã bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi giúp cải thiện quan hệ liên Triều – vốn được khai thông sau chuyến thăm bất ngờ của ba quan chức Triều Tiên hàng đầu do Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Triều Tiên Hwang Pyong So dẫn đầu tới Hàn Quốc vào đầu tháng 10/2014.

 

Tổng thống HànQuốcParkGeun-hye kêu gọi đối thoại và hợp tác tại khu vực
Đông Bắc Á (Ảnh: EPA)

 

* Ngày 30/10, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tới Campuchia, đại diện lãnh đạo hai nước đã nhất trí đưa ra “một tầm nhìn chung cho tương lai của hai đất nước”. Chuyến thăm là một phần trong chuyến công du của người đứng đầu Chính phủ Thái Lan tới các nước ASEAN nhằm tái khẳng định cam kết của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tại lễ nhậm chức hồi tháng 8 về việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Thái Lan với các quốc gia láng giềng và thành viên các nước ASEAN.

 

* Ngày 30/10, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye kêu gọi đối thoại và hợp tác tại khu vực Đông Bắc Á trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu leo thang trở lại sau khi hai miền không thể tìm được tiếng nói chung về việc tổ chức vòng đối thoại cấp cao vào cuối tháng này theo như dự kiến.

 

* Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Tổng thống Myanmar Thein Sein tiến hành một cuộc tổng tuyển cử "toàn diện và đáng tin cậy" trong năm tới.

 

ĐCSVN