403
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 10/12/2014 14:21
Tại sao Pháp sốt sắng hàn gắn Đông - Tây?
Dừng chân tại Nga trên đường trở về từ Kazakhstan, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc gặp chớp nhoáng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo phương Tây đến Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Động thái hòa giải ngoại giao Pháp - Nga có vẻ bất ngờ thực ra đã được tính toán kỹ lưỡng.
Cuộc gặp chớp nhoáng giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Putin tại sân bay Vnukovo Nguồn: L

Cuộc gặp chớp nhoáng diễn ra ngay tại sân bay Vnukovo gần thủ đô Moscow. Trước khi bước vào thảo luận kín, Tổng thống Hollande nói với Tổng thống Putin, đây là thời điểm để hai bên nắm bắt cơ hội giải quyết những bất đồng. Đáp lại, nhà lãnh đạo Nga cho rằng hiện còn nhiều vấn đề khó khăn nhưng ông tin tưởng chuyến thăm làm việc ngắn (của nhà lãnh đạo Pháp) có thể góp phần tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề. Ngay sau khi về nước, ông chủ Điện Elysee đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel để thông báo về kết quả cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, trong đó khẳng định việc đàm phán về vấn đề Ukraine đạt tiến bộ.

 

Thông báo của Điện Elysee nêu rõ sau cuộc đàm phán ngắn gọn tại Moscow, Tổng thống Hollande bày tỏ tin tưởng cuộc đàm phán giữa ông với người đồng cấp Putin sẽ đem lại kết quả trong thời gian sớm nhất. Ông Hollande cho rằng cuộc gặp diễn ra đúng thời điểm và trong hoàn cảnh thuận lợi. Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Hôm nay, tôi muốn cùng với Tổng thống Putin gửi đi một thông điệp hòa dịu. Hôm nay, sự hòa dịu có cơ hội trở thành hiện thực”.

 

Về phần mình, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Tổng thống Putin hy vọng Kiev sẽ bãi bỏ các chính sách phong tỏa khu vực Đông Nam để bảo toàn toàn vẹn lãnh thổ, điều mà Moscow sẽ ủng hộ. Nụ cười hiếm hoi của Tổng thống Putin khi đón người đồng cấp Pháp thể hiện rõ sự hài lòng khi một nhà lãnh đạo châu Âu đặt chân tới nước này, sau nhiều tháng quan hệ Nga - phương Tây đóng băng. Tổng thống Putin thậm chí còn khẳng định tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

 

Những động thái trên của Tổng thống Hollande cho thấy Pháp đang nỗ lực trở thành cầu nối trong cuộc đối đầu Đông - Tây giữa Nga và phương Tây. Cuộc gặp tưởng chừng đột xuất trên thực chất đã được trù tính từ nhiều tuần lễ, kể từ lần hai nguyên thủ gặp nhau tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brisbane, Australia. Tổng thống Hollande mô tả nước Pháp đang gánh vác trách nhiệm khắp nơi: tạiMali, Cộng hòa Trung Phi, Trung Cận Đông và từ giờ trở đi ở cả phía Đông. 

 

Trên thực tế, sứ mệnh hòa giải của Pháp liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế của Pháp, trong đó có thương vụ bán tàu đổ bộ Mistral cho Nga. Hiện, Tổng thống Hollande đang ở thế kẹt khi đồng thời chịu sức ép cả từ Nga và phương Tây trong hợp đồng làm ăn này. Moscow đã ra tối hậu thư yêu cầu Paris phải bàn giao tàu Mistral đầu tiên trong số hai tàu trong hợp đồng bán cho Nga đúng như cam kết, với lời cảnh báo về những khoản bồi thường tài chính lớn trong trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga với cáo buộc Moscow đang có những hành động can thiệp khiến tình hình miền đông Ukraine trở nên trầm trọng.

 

Được ký kết từ thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, hợp đồng bán hai tàu Mistral cho Nga đã bất ngờ trở thành vấn đề khó xử kể từ khi Moscow sáp nhập trở lại Crimea, đẩy Tổng thống Hollande vào vị trí không thể xoay sở hoặc chỉ có thể chấp nhận những giải pháp xấu. Nếu từ chối bàn giao tàu, Pháp không chỉ phải hoàn lại toàn bộ số tiền mua tàu màMoscowđã trả, mà còn phải chấp nhận những khoản nộp phạt tài chính nặng nề. Tiếng nói và uy tín củaPariscũng như ngành công nghiệp vũ khí của nước Pháp - hiện đang đàm phán hợp đồng với rất nhiều khách hàng khác - sẽ bị giảm.    

 

Tuy nhiên, nếu Pháp vẫn bàn giao Vladivostok đúng như cam kết  thì lòng tin của các đối tác châu Âu, nhất là các nước Đông Âu, và Mỹ có nguy cơ suy sụp. Đồng thời, an ninh châu Âu vốn đã trải qua nhiều sóng gió nay sẽ một lần nữa bị thử thách.    

 

Dự án đóng tàu chiến Mistral từng được xem là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác trở lại giữa Nga và Pháp trong ngành công nghiệp đóng tàu bị gián đoạn gần 100 năm, nhưng giờ đây đang là cơn đau đầu với Tổng thống Pháp. Tổng thống Hollande đã hết tháng này qua tháng khác trì hoãn việc ra quyết định. Cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ thời hạn nào được nêu ra.

 

Một nguồn tin đã tiết lộ, các điều khoản trong hợp đồng bán tàu Mistral có lợi cho Moscow, thậm chí không có bất cứ điều khoản đình chỉ nào trong trường hợp Nga có những hành động vi phạm luật pháp hay các hiệp ước quốc tế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Moscow giành quyền dẫn dắt cuộc chơi và Pari sở vào thế bị động. Trước tình thế này, làm trung gian hòa giải quan hệ căng thẳng Đông - Tây là cách “một công đôi việc”, giúp Pháp gỡ thế bí, đồng thời củng cố tiếng nói trong các vấn đề của châu lục.

 

NĐBND