186
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 21/06/2016 08:33
Quan hệ Mỹ - Ấn tiến triển: Trung Quốc không lo lắng
Trong vài năm qua, quan hệ Mỹ - Ấn Độ ngày càng khăng khít. Song điều này chỉ khơi dậy những phản ứng nghèo nàn từ phía Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi, Ấn Độ, nước yếu thế hơn so với Mỹ và Trung Quốc, dường như đang sử dụng chiến lược “nước đôi” nhằm đạt được lợi ích tối đa từ cả hai đối tác này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Dấu hiệu của sự khăng khít


Từ khi Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, người ta thấy có sự đồng thuận rõ ràng hơn giữaWashingtonvàNew Delhi. Nhà lãnh đạo từng bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ khi còn giữ chức Thủ hiến bang phía tây Gujarat, đã được đích thân Tổng thống Obama mời đến Washington ngay sau lễ nhậm chức ngày 26.4.2014. Từ đó, hai nhà lãnh đạo đã thiết lập mối quan hệ cá nhân tích cực. Thủ tướng Modi đã gặp nhà lãnh đạo Mỹ 7 lần. Lần gặp gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo là vào ngày 7 - 8.6 ở Thủ đô Washington, khi ông Modi được mời tới tham dự một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Trước đó, Tổng thống Obama từng nhận lời mời của Thủ tướng Modi, tới thăm chính thức Ấn Độ vào ngày 26.1.2015 nhân dịp Quốc khánh nước này.

 

Những chuyến thăm cấp cao liên tục được tiến hành vừa là bằng chứng vừa là động lực góp phần tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh giữa hai nước. Khi Obama tới Ấn Độ, hai bên đã tăng cường quan hệ an ninh bằng cách kéo dài chương trình quốc phòng song phương được triển khai từ năm 2005. Bên cạnh đó, hai nước cũng ký kết hiệp ước Tầm nhìn Chiến lược chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó lưu ý hai bên sẽ nỗ lực vì sự phát triển và an ninh trong khu vực, đồng thời kêu gọi “bảo đảm tự do hàng hải và hàng không”, đặc biệt ở Biển Đông.

 

Vào tháng 4.2016, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Ashton Carter đến Ấn Độ, hai bên cũng tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng bằng bước đột phá trong đàm phán Biên bản Thỏa thuận trao đổi Hậu cần (LEMOA), trong đó quy định khuôn khổ cho việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng của nhau.

 

Trong chuyến thăm mới nhất của Thủ tướng Modi đến Mỹ, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã chứng minh tình hữu nghị của Ấn Độ với Washington bằng chuyến thăm biểu tượng đến Nghĩa trang quốc giaArlington. Phát biểu tại Quốc hội Mỹ, ông Modi cũng khẳng định Mỹ là đối tác thương mại, quốc phòng nổi bật của Ấn Độ.

 

Sự bình tĩnh của Bắc Kinh


Tuy nhiên, chứng kiến mối quan hệ ngày càng khăng khít của Mỹ - Ấn, Trung Quốc tỏ ra khá bình tĩnh. Thái độ này của Trung Quốc bắt nguồn từ động thái gần đây của New Delhi khi hướng tới cân đối quan hệ với Bắc Kinh và Washington. Trước tiên, Ấn Độ từ chối đề nghị tuần tra chung ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Mỹ, một bước đi khiến Trung Quốc dịu đi phần nào lo ngại. Một bài báo của Trung Quốc thậm chí còn mạnh dạn nói rằng với sự từ chối này, Bắc Kinh sẽ không còn phải lo lắng về việc Ấn Độ ký kết LEMOA với Mỹ. Hơn nữa, thực tế là LEMOA không được ký kết trong chuyến thăm tháng 6 của Thủ tướng Modi và sự phát triển chậm chạp của “Bản Ghi nhớ Thỏa thuận An ninh Liên lạc” (CISMOA) cho thấy Ấn Độ sẽ thận trọng khi tham gia các thỏa thuận chiến lược với Mỹ. Nếu LEMOA hoàn tất ký kết sẽ cho phép các bên tham gia sử dụng căn cứ của nhau, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ quân sự Mỹ - Ấn.

 

Trong khi đó, cuộc trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval đến Bắc Kinh (diễn ra vào khoảng giữa thời gian chuyến đi của Carter đến New Delhi và Modi đến Mỹ) dường như đã thành công trong việc trấn an Trung Quốc. Hai bên khẳng định đã thành công trong việc “gây dựng lòng tin”.

 

Một trang tin Trung Quốc cho rằng, Thủ tướng Modi đã có sự lưu tâm đến quan hệ với Trung Quốc khi lựa chọn không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong chuyến thămWashington. Ấn Độ đưa ra một lập trường mâu thuẫn về quốc tế hóa các tranh chấp, ủng hộ quan điểm giải quyết với từng bên liên quan của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là New Delhi ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Mặt khác, Ấn Độ cũng không hoàn toàn xao lãng lập trường của Mỹ khi nhắc lại cam kết tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Ấn Độ rõ ràng đang đi những bước thận trọng giữa hai đối tác lớn, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của những hành động từ phía Mỹ - Trung đối với Ấn Độ như thế nào.

 

Ấn Độ gần như chắc chắn sẽ tiếp tục chiến lược này để giành lấy sự bảo trợ của Trung Quốc đối với vai trò thành viên của Ấn Độ trong Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân và đưa Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Và chừng nào Ấn Độ còn cần Trung Quốc ở những khía cạnh đó, Bắc Kinh có lý do để không quá lo lắng về những tiến triển gần đây trong quan hệ Mỹ - Ấn.

 

Đại biểu nhân dân