Tổng thống B.Ô-ba-ma trong bài phát biểu đã thông báo chính sách mới của Oa-sinh-tơn đối với Cu-ba. Ông khẳng định “một chương mới” đã được mở ra trong quan hệ hai nước và nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời vốn không thể giúp thúc đẩy quan hệ song phương. “Thông qua những thay đổi này, chúng tôi dự định tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhân dân Mỹ và Cu-ba, đồng thời mở ra một chương mới”, Tổng thống B.Ô-ba-ma nói. Tổng thống Mỹ cho biết, ông sẽ thảo luận với Quốc hội Mỹ về việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận đối với Cu-ba và cảm ơn Giáo hoàng Phran-xít đã giúp tái lập mối quan hệ giữa hai nước. Ông cũng nhắc tới vai trò quan trọng của Ca-na-đa trong nỗ lực "phá băng" quan hệ Mỹ-Cu-ba khi tổ chức các cuộc thương lượng giữa hai bên về vấn đề này. Các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Cu-ba về bình thường hóa quan hệ đã bắt đầu từ tháng 6-2013 và được Ca-na-đa cùng Va-ti-căng làm trung gian.
Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cùng có bài phát biểu trên truyền hình về quan hệ Cu-ba - Mỹ. Ảnh chụp qua màn hình: Bảo Nam
Tổng thống B.Ô-ba-ma cho biết, ông đã chỉ đạo Ngoại trưởng Giôn Ke-ri tiến hành thảo luận với Cu-ba về việc bình thường hóa quan hệ. Tổng thống Ô-ba-ma cũng thông báo việc nới lỏng phần lớn các lệnh trừng phạt về đi lại và kinh tế đối với Cu-ba. Hai nước sẽ mở lại đại sứ quán trong thời gian tới.
Trong khi đó, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô cũng chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau 53 năm gián đoạn. Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô nói: “Chúng tôi nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ”. Nhà lãnh đạo Cu-ba đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Tòa thánh Va-ti-căng và trực tiếp là Giáo hoàng Phran-xít đã đứng ra làm trung gian giúp hai bên xích lại gần nhau, cũng như Chính phủ Ca-na-đa đã hỗ trợ hậu cần giúp phái đoàn hai nước thực hiện các cuộc đàm phán bí mật. Chủ tịch Cu-ba hoan nghênh việc nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ cho dù hai bên vẫn tồn tại những khác biệt.
Trước đó, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô trong khoảng 45 phút, đánh dấu cuộc trao đổi đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1961.
Quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba được đưa ra sau khi hai nước đạt thỏa thuận về việc trao đổi tù nhân. Chính phủ Cu-ba thông báo đã quyết định trả tự do cho công dân người Mỹ A-lan Grốt-xơ (Alan Gross) vì lý do nhân đạo, sau khi đã hoàn thành 5 năm trong bản án tù giam 15 năm mà tòa án Cu-ba đã tuyên phạt nhân vật này với tội danh xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ và hoạt động gián điệp tại Cu-ba. Ông A-lan Grốt-xơ, nhân viên hợp đồng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đã rời khỏi lãnh thổ Cu-ba trên một chuyên cơ của Mỹ. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cũng đã quyết định trả tự do cho 3 chiến sĩ tình báo Cu-ba trong nhóm 5 người bị phía Mỹ kết án tù giam từ năm 2001.
Hồi tháng 10-2014, 188 trên 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng LHQ lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cu-ba suốt hơn 5 thập kỷ qua. Đây là lần thứ 23 liên tiếp đại đa số các nước thành viên LHQ bày tỏ sự ủng hộ đối với Báo cáo “Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cu-ba” do Chính phủ Cu-ba trình lên hằng năm.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba Bru-nô Rô-đri-guết Pa-ri-la (Bruno Rodríguez Parrilla) cho hay, chính sách cấm vận của Mỹ đã khiến Cu-ba thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD và sự phong tỏa của Mỹ đã khiến người dân, đặc biệt là trẻ em nước này chịu đựng nhiều khó khăn. Ông nhấn mạnh rằng, không một người trung thực nào, dù ở Mỹ hay ở bất cứ đâu trên toàn thế giới có thể chấp nhận được những hậu quả tàn phá như thế của cuộc bao vây phi lý.
QĐND