985
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 09/11/2015 07:57
Pháp luật các nước về bảo vệ nguồn tin báo chí: Bảo vệ nguồn tin báo chí nhìn từ vụ Watergate
Một ví dụ nổi tiếng về việc sử dụng nguồn tin báo chí đưa đến hiệu ứng xã hội mạnh mẽ là loạt bài của hai phóng viên tờ Washington Post lật tẩy vụ bê bối Watergate, sự kiện buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức trong khi đưa đến cho hai nhà báo giải báo chí danh giá nhất thế giới. Hai phóng viên đã dựa trên các thông tin được cung cấp bởi một nguồn tin được biết đến với biệt danh Deep Throat. Bất chấp sức ép từ chính giới Mỹ, hai nhà báo đã kiên quyết không tiết lộ danh tính của Deep Throat, cho tới khi được chính nhân vật này tiết lộ hơn 30 năm sau.
Tổng thống Nixon và nguồn tin bí ẩn Deep Throat Nguồn: CBSnews

Từ bài báo về một vụ trộm


Vụ việc bắt đầu bằng mẩu tin về việc “5 tên trộm” đột nhập văn phòng của đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate (Washington D.C) vào tháng 6.1972, nhưng có một chi tiết bất thường mà bài báo trên tờ Washington Post đã chỉ ra, một trong những “tên trộm” chính là cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Cục Điều tra Liên bang (FBI) sau đó đã vào cuộc và lần ra manh mối: chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng Ủy ban Tái tranh cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập này nhằm nghe lén đảng Dân chủ - đối thủ chính trị trong cuộc bầu cử đang diễn ra. Tuy nhiên, kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post công bố trên mặt báo.

 

Mặc dù vụ nghe lén được công khai, Nixon vẫn giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử 1972 và nhậm chức. Nhưng cùng các bài phóng sự điều tra của Washington Post, Thượng viện và cơ quan công tố Mỹ vẫn theo dõi các trợ lý của Nixon. Trước sức ép đó, vào năm 1973, bốn trợ lý cao cấp của Tổng thống bị sa thải mà một trong số đó đã tiết lộ việc Nhà Trắng chi tiền để mua sự im lặng của những kẻ nghe lén. Nixon ban đầu khẳng định không biết gì về việc bưng bít thông tin nhưng toàn bộ scandal vỡ lở khi một viên chức Nhà Trắng công bố trước Thượng viện toàn bộ các cuộc đối thoại của Nixon tại nơi làm việc. Bằng chứng này đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài chính trị của Nixon, buộc ông từ chức.

 

Tầm quan trọng của “Deep Throat”


Một trong những tờ báo Mỹ đào sâu vụ Watergate nhất là Washington Post, với loạt điều tra của hai phóng viên Bob Woodward và đồng nghiệp Carl Bernstein. Nhờ loạt bài này, Woodward và Bernstein nhận được giải Pulitzer năm 1973. Nguồn cung cấp thông tin cho Woodward và Bernstein là nhân vật bí hiểm được mệnh danh Deep Throat (do Trưởng phòng Biên tập Washington Post Howard Simons đặt). Chỉ có 4 người ở Tòa soạn biết danh tính thật của Deep Throat. Trong cuốn “All the president’s men” (Bộ sậu của tổng thống - từng được dựng thành phim), Woodward và Bernstein viết rằng, nguồn cung cấp thông tin cho họ là nhân vật giữ vị trí “cực kỳ nhạy cảm” trong bộ máy điều hành chính phủ, người “có thể tiếp cận thông tin của Nhà Trắng, Bộ Tư pháp, FBI và CRP (Ủy ban Tái tranh cử của tổng thống)”.

 

Hàng loạt giả thuyết về Deep Throat từng được đưa ra. Có lúc, người ta nghi rằng, Deep Throat phải là một cận thần của Nixon, chẳng hạn Alexander Haig - Chánh văn phòng của Nixon hay Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ thứ nhất và ngoại trưởng trong nhiệm kỳ hai của Nixon. Ngoài ra, việc loạt bài điều tra của Woodward và Bernstein về vụ Watergate gần như được đăng song song với tiến trình điều tra của FBI cũng làm dấy lên nghi ngờ, liệu có phải Deep Throat là một viên chức FBI?

 

Những cuộc gặp bí mật


Tất cả những cuộc gặp giữa phóng viên Woodward và nguồn tin của anh đều được giữ bí mật tuyệt đối. Hai người thỏa thuận rằng khi nào cần gặp, Woodward sẽ dời chậu hoa có cắm lá cờ ở ban công. Điều đó có nghĩa họ gặp nhau vào đêm đó vào khoảng 2h tại tầng cuối của hầm để xe gần cầu Key ở Rosslyn. Deep Throat còn yêu cầu: Woodward phải đón taxi đến một khách sạn, liên tục để ý nếu bị theo dõi, cuộc gặp phải hủy lập tức. Ngoài ra, Deep Throat dùng thùng thư nhận báo sáng hằng ngày của Woodward để liên lạc. Nếu có thông tin mới, Felt sẽ khoanh tròn ở trang 20 của Tờ New York Times trong thùng thư, nơi cuối trang có loạt hình đồng hồ chỉ những giờ khác nhau; khi muốn gặp lúc nào, Felt sẽ đánh dấu vào giờ đó.

 

Nhờ những cuộc gặp bí mật và cách truyền tin kín kẽ, phóng viên của tờ Washington Post đã dần khai thác được nguồn tin tối quan trọng.

 

Sức ép tiết lộ nguồn tin


Washington Post cho biết, trong vài tháng đầu tiên sau khi vụ Watergate nổ ra, cả Chủ bút của tờ báo và Ban biên tập đã bị Chính phủ Mỹ khi đó nhiều lần dồn ép, hăm dọa buộc họ tiết lộ danh tính nhân vật cung cấp nguồn tin. Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ giới chức trách, Washington Post đã kiên quyết không tiết lộ. Trong thời gian này, chi tiết các nội dung và diễn biến của vụ scandal vẫn tiếp tục được phơi bày trên mặt báo.

 

Sau này, người ta biết rằng, chính bản thân Tổng thống Nixon cũng từng nghi ngờ ông Felt là người tiết lộ tin tức cho báo chí. Trong một vài cuốn băng ghi âm ở tòa Bạch Ốc, nhiều lần nghe thấy các cuộc hạch hỏi của ông Nixon đối với ông Felt.

 

Công bố danh tính 30 năm sau


Danh tính của nguồn tin bí ẩn Deep Throat có thể vẫn là một ẩn số nếu vào năm 2005, nhân vật này không quyết định “bước ra ánh sáng” bằng một tiết lộ với tờ Vanity Fair. Ông chính là Mark Felt, cựu Phó giám đốc FBI dưới thời Nixon và hiện đã 91 tuổi, sống những ngày cuối đời ởSanta Rosa(bangCalifornia) cùng con cháu. Quyết định này khiến Bernstein và Woodward khá bất ngờ bởi theo một thỏa thuận đã được lập trước đó, người sẽ công bố bí mật này là Bob Woodward hoặc Carl Bernstein và nó chỉ diễn ra sau khi Deep Throat chết. Ông Felt giải thích rằng ông muốn nói ra sự thật vì “cảm thấy gần đất xa trời”, rằng ông phải kể sự thật để mọi người hiểu đúng về ông. Deep Throat đi vào lịch sử báo chí như một nguồn tin nặc danh nổi tiếng nhất và danh tính ông cũng là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong nghề báo.

 

Người đại biểu nhân dân