167
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 02/12/2022 08:50
Mỹ sẽ không cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc
Mỹ không tìm cách cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc ngay cả khi Washington thực hiện các bước để bảo vệ sức mạnh công nghệ và quân sự của Mỹ. Thay vào đó, Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc giải quyết các hoạt động kinh tế gây bất lợi cho các công ty nước này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. (Ảnh: Reuters)

Đây là thông điệp được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đưa ra trong bài phát biểu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ngày 30/11 về chính sách của chính quyền Tổng thống J.Biden đối với Trung Quốc.

Bà Raimondo nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ và những mặt hàng nước này xuất khẩu sang Trung Quốc đã trực tiếp tạo ra 750.000 việc làm cho người dân Mỹ. Do đó, Washington không tìm cách tách rời nền kinh tế nước này khỏi Bắc Kinh theo bất kỳ cách nào. Trái lại, Mỹ muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực không đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia cốt lõi của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Raimondo cho rằng Washington phải hành động nhiều hơn nữa để tạo đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới không nên cô lập lẫn nhau. Mỹ cần tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác thương mại với Trung Quốc bởi điều này sẽ thúc đẩy việc làm cho người dân Mỹ.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới đã trở nên lạnh nhạt trong thập kỷ qua do những bất đồng chưa thể thu hẹp. Căng thẳng dâng cao khi cựu Tổng thống Mỹ D.Trump áp đặt các biện pháp đánh thuế mạnh tay đối với hàng hóa Trung Quốc, trước những cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh đã vi phạm bí mật thương mại và tận dụng điều này để thách thức lợi thế công nghệ của Mỹ.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, Tổng thống Mỹ J.Biden đã giữ nguyên chính sách thuế của người tiền nhiệm, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn cản Trung Quốc sở hữu các công nghệ nhạy cảm phục vụ cho các ứng dụng quân sự.

Điển hình là vào đầu tháng 10/2022, chính phủ Mỹ đã mở rộng các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc phát triển các loại chip tiên tiến có thể sử dụng trong các ứng dụng quân sự và công nghệ then chốt, ví dụ như siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, các công ty trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc nếu sản phẩm được ứng dụng công nghệ Mỹ. Nếu muốn cung cấp thiết bị và công nghệ cho phía Trung Quốc, các công ty này sẽ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt.

Bên cạnh đó, Chính quyền Mỹ cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và rót hơn 50 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn, trong một động thái nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của các công ty Mỹ.

Về phía Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường kiên quyết phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn của Mỹ, cho rằng điều này không chỉ gây thiệt hại cho các công ty Trung Quốc mà còn làm tổn hại lợi ích thương mại của các nhà xuất khẩu Mỹ.

Liên quan tới vấn đề này, phát biểu trước các phóng viên ngày 29/11, bà Raimondo cho biết Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về các biện pháp hạn chế công cụ bán dẫn và hy vọng rằng các nước này cũng sẽ thực hiện các bước đi tương tự như Mỹ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra bình luận tức thời nào sau những phát ngôn mới nhất của bà Raimondo./.

 

ĐCSVN